Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hướng đi mới cho ngành công nghiệp đóng tàu

Hướng đi mới cho ngành công nghiệp đóng tàu

Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo tàu thuyền bằng vật liệu mới PPC đang mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Việc sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu này đem lại hiệu quả vận hành và nhiều tính năng ưu việt hơn sản phẩm truyền thống.

Vượt trội về công nghệ

Hiện nay, nhu cầu về trang bị tàu thuyền cỡ nhỏ thực hiện các công việc phục vụ dân sinh và quốc phòng rất lớn như ca nô công tác, ca nô du lịch, vận tải hàng hóa – hành khách, tàu tuần tra, ca nô cứu hộ… Trong khi đó, vật liệu chế tạo những chủng loại tàu thuyền trên ở Việt Nam chủ yếu đều là vật liệu truyền thống có thời gian sử dụng thấp, chi phí khai thác, bảo trì, bảo dưỡng cao, không thân thiện với môi trường như gỗ, composite, thép, hợp kim nhôm…

Xuồng tuần tra được chế tạo bằng vật liệu PPC

Trước thực tế trên, Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat – một doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất tàu thuyền và các công trình nổi bằng vật liệu mới PPC (Copolymer Polypropylene Polystone) để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho quốc phòng, an ninh, đánh bắt cá xa bờ, thể thao giải trí. Trước đó, chưa có doanh nghiệp hoặc đơn vị nào trong nước triển khai công nghệ này.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat cho biết, vật liệu PPC có ưu điểm nổi bật như vật liệu nổi trên nước, chịu được va đập mạnh, chống xuyên thủng tốt, cách nhiệt, cách âm, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt từ âm 35 độ C đến 80 độ C, tuổi thọ cao (từ 25-40 năm). Tổng trọng lượng thân tàu nhẹ nên giảm công suất động cơ, tiết kiệm tiêu thụ nhiên liệu từ 15%-20%.

Đặc biệt, không tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng do đặc tính vật liệu PPC không gỉ, chống thủy sinh, rong rêu bám vào dưới đáy và thân vỏ tàu thuyền. Đồng thời, có khả năng tái chế 100% sau quá trình sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường. Dễ sửa chữa, chỉ cần dụng cụ sửa chữa cầm tay nhỏ và một thiết bị đặc biệt đặt trên tàu thuyền. Thiết kế kiểu dáng đẹp…

Hiệu quả cao

Hiện nay, James Boat đã và đang triển khai các dự án chế tạo xuồng tuần tra cao tốc cho Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, dự án xuồng cứu hộ và ca nô công tác cho Viện Thiết kế tàu quân sự… Đặc biệt, James Boat đã nhận được độc quyền từ Cơ quan đăng kiểm CS Lloyd trong việc chứng nhận năng lực thiết kế, chế tạo và đăng kiểm ca nô, tàu thuyền, du thuyền đạt tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU) nên sản phẩm của James Boat được phép nhập khẩu vào EU và Mỹ.

Một góc xưởng sản xuất tàu thuyền của Công ty James Boat

Ông Sơn khẳng định, sử dụng tàu thuyền làm bằng vật liệu PPC sẽ tiết kiệm hàng tỷ đồng trong việc việc bảo dưỡng thân vỏ tàu thuyền, tránh được hàng trăm tấn hóa chất thải ra biển và sông hồ hàng năm. Trong khi các loại tàu thuyền được chế tạo từ các vật liệu khác như gỗ, composite, hợp kim nhôm… hàng năm phải bảo dưỡng sơn và quét hóa chất chống thủy sinh và hào, rong rêu bám với chi phí rất tốn kém.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Đại úy Phan Văn Lễ, Thuyền trưởng tàu 601, Hải đội 101, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 cho biết, Hải đội 101 đã tiếp nhận 4 xuồng tuần tra cao tốc do James Boat thiết kế, chế tạo từ vật liệu PPC, trong đó chiếc xuồng đầu tiên được tiếp nhận vào tháng 11/2014. Xuồng có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chống buôn lậu, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ biển đảo. Qua gần 2 năm hoạt động cho thấy, chiếc xuồng này hoạt động ổn định, chịu được va đập mạnh, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, vận tốc từ 30-35 hải lý/giờ, an toàn cho người sử dụng. Nếu sử dụng thuyền composite sẽ cực nguy hiểm nếu ra ngoài xa. Đặc biệt, giảm được chi phí hàng năm về bảo dưỡng kỹ thuật so với các vật liệu khác. Ví dụ, 1 năm sử dụng tàu bằng vật liệu kim loại, ít nhất 2 – 3 tháng lại phải sơn sửa lại do nước biển ăn mòn, còn tàu PPC chỉ cần rửa sạch bằng nước…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, với những ưu điểm có được, vật liệu PPC đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận bảo đảm các tiêu chuẩn có thể sử dụng đóng tàu, thuyền. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan trong nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn và tổ chức kiểm định các tàu, thuyền được đóng bằng loại vật liệu này để thúc đẩy việc thương mại hóa sản phẩm. Bởi với đất nước có bờ biển kéo dài hơn 3.200 km, nhu cầu tàu thuyền và phương tiện vận tải phục vụ cho khai thác kinh tế biển cũng như phục vụ cho an ninh quốc phòng là rất lớn.

PPC là loại vật liệu nhựa nhiệt dẻo đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới ở các nước phát triển như EU, Nga, Mỹ, Nhật để sản xuất ca nô tàu thuyền, các công trình nổi và các sản phẩm công nghiệp và dân dụng.

Quỳnh Nga