Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế 2015 đang có đà khởi sắc

Kinh tế 2015 đang có đà khởi sắc

Trong những tháng đầu năm 2015, nền kinh tế đã có những dấu hiệu tăng trưởng. Tuy nhiên trong bức tranh kinh tế vẫn còn những gam màu sẫm, dự báo những tác động đến nền kinh tế cả năm 2015 cũng là năm bản lề của của nhiệm kỳ 2016-2020. Báo Hải quan có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm, đâu là những điểm sáng và điểm tối, thưa ông?

Chúng ta có thể thấy điểm sáng là tốc độ sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, XK vẫn giữ được đà tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp không tăng nhưng giữ được tăng trưởng như năm 2014 đối với nông nghiệp như thế là tốt rồi. Tín hiệu tốt nữa là tín dụng đưa ra nền kinh tế đã khá hơn.

Nếu so sánh với cùng kỳ, đây là những biểu hiện cho thấy kinh tế 2015 đang có đà khởi sắc. Tuy nhiên vẫn còn có một số vấn đề.

Chúng ta thấy lạm phát 4 tháng đầu năm chỉ đạt 0,04% thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Như vậy chúng ta nên điều hành lạm phát năm nay vẫn thấp khoảng 1,8- 1,9% theo đà của 4 tháng đầu năm hay là vẫn tiếp tục điều hành lạm phát ở mức 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Thứ hai là thị trường nội địa chưa có giải pháp căn cơ. Qua việc dưa hấu, hành tím có thể thấy rằng thị trường nội địa với sức mua của 90 triệu dân là vẫn còn dư địa để hỗ trợ cho sản xuất phát triển nhưng chúng ta chưa làm được.

Như vậy là nền kinh tế có phát triển nhưng chưa bền vững?

Chúng ta đã phát hiện một hệ thống điểm chưa bền vững trong cơ cấu của nền kinh tế, nên chúng ta mới đặt ra tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Những bước đột phá của chúng ta đã làm từ năm 2013 và chắc chắn còn làm tiếp. Thứ nhất là đột phá về cơ sở hạ tầng. Thứ hai là nguồn nhân lực. Thứ ba là cải cách thể chế. Trong 3 vấn đề đấy chúng ta đã tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, TCTD. Trong 5 tháng đầu năm chúng ta làm rất kiên quyết, mua 2 TCTD, sáp nhập 2 TCTD khác, hy vọng sẽ lùi được 1 bước khỏi bờ vực khủng hoảng tài chính.

Vậy chúng ta còn dư địa nào nữa để tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục phát triển?

Bằng những nỗ lực của Chính phủ, số giờ nộp thuế giảm được hơn 400 giờ. Như vậy chúng ta đã tạo được dư địa nữa cho sản xuất tiếp tục phát triển, đó là cải cách thủ tục hành chính trong cải cách thể chế để giảm chi phí không cần thiết cho DN, làm tăng lợi nhuận của DN, giúp DN tham vào sâu hơn vào vòng quay phát triển.

Thời gian của năm 2015 không còn nhiều. Theo ông chúng ta còn cần giải pháp nào nữa để thúc đẩy nền kinh tế phát triển?

Đúng là thời gian của năm 2015 không còn nhiều nên nói là có biện pháp quyết liệt nào nữa nhằm thúc đẩy con số kinh tế xã hội của năm “đẹp” lên chắc là không có, mà vấn đề hiện nay là kiên trì thực hiện thật tốt những cái chúng ta đặt ra để tạo ra được cơ sở nền tảng cho giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta có thể phát triển nhanh và bền vững.

Nếu chúng ta không làm xong tái cơ cấu, không làm xong mô hình tăng trưởng mà kéo dài việc đổi mới mô hình tăng trưởng sang năm 2016, 2017 là mất 2 năm của kế hoạch 2016 – 2020 và tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta lại tiếp tục kéo dài. Chỉ khi đổi mới mô hình tăng trưởng xong chúng ta mới đạt tăng trưởng nhanh và bền vững, nếu không chúng ta lại quay lại vòng xoáy của nền kinh tế từ năm 2007 đến giờ tức là cứ 1-2 năm phát triển rồi lại 1-2 năm tụt xuống.

Xin cảm ơn ông!

An Tư (thực hiện)