Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế đang phục hồi rõ nét

Kinh tế đang phục hồi rõ nét

Từ năm 2014, diễn biến kinh tế nước ta đã thay đổi tích cực trên hầu hết các phương diện. Tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 5,98%. Sang quý I-2015, GDP tăng trưởng 6,03%, đạt mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2011. Điều đáng lưu ý nữa là tốc độ tăng GDP quý I-2015 cao hơn khá nhiều (gần một điểm %) so với cùng kỳ giai đoạn 2011 – 2013. Như vậy, từ quý III- 2014, kinh tế nước ta đã phục hồi khá mạnh và rõ nét.

Câu hỏi tiếp theo là liệu xu hướng phục hồi này có bền vững không? Xét về phía cung, tăng trưởng trong năm 2014 và quý I-2015 được dẫn dắt bởi khu vực công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế tác; đây là khu vực không chịu tác động bởi các yếu tố thời vụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp và xây dựng quý I-2015 tăng 9,1%, gần bằng mức bình quân của giai đoạn tăng trưởng cao trước đây và cao hơn nhiều so với mức tăng của quý I-2014 (5,3%). Chỉ số quản trị mua hàng tiếp tục được cải thiện; tháng 4- 2014 là 53,5, có cải thiện đáng kể so với tháng 3 (50,7). Về phía cầu, sức cầu nội địa đang được cải thiện dần. Tổng doanh thu bán lẻ quý I-2015 tăng 9,1% (đã loại trừ yếu tố giá) so với cùng kỳ, tăng cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ 2014 và 2013 (5,1%).

Xét về các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, có một số điểm thay đổi khá tích cực. Trước hết, tăng trưởng tín dụng trong quý I-2015 và tháng 4-2015 lần lượt là 1,25% và 1,51%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2014 (tương ứng là 0,52% và 0,91%). Ngoài ra, từ tháng 6-2014, mức tăng tín dụng hằng tháng cũng ổn định dần, không biến động thất thường như những năm trước. Trong năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp (cả trong nước và FDI) có kế hoạch tăng thêm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng tăng lên đáng kể so với các năm trước. Từ tháng 2- 2015, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động đã giảm, và thấp hơn số doanh nghiệp mới đăng ký. Đây cũng là điểm khác biệt lớn so với rất nhiều tháng trước đó. Hiệu quả sử dụng vốn đã có cải thiện; hệ số ICOR liên tục giảm trong các năm gần đây, từ 6,2 năm 2010 xuống còn 5,18 năm 2014.

Các yếu tố nền tảng của tăng trưởng, nhất là môi trường kinh doanh cả vĩ mô và vi mô đã được cải thiện vượt bậc. ‡n định kinh tế vĩ mô tiếp tục được tăng cường và ngày một vững chắc hơn. Lạm phát thấp và ổn định dần; đây là điều kiện không thể thiếu trong thúc đẩy đầu tư dài hạn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Về vi mô, Chính phủ đã thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt được kết quả rất khả quan. Chỉ số khởi sự kinh doanh tăng gần 60 bậc; đạt mức cao hơn bình quân ASEAN-4; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng khoảng 80 bậc; đạt mức gần bằng ASEAN-4 và cao hơn trung bình ASEAN-6. Chỉ số thương mại qua biên giới, chỉ số tiếp cận điện, chỉ số tiếp cận tín dụng, v.v. cũng đã có cải thiện đáng kể. Năm 2014 cũng đánh dấu những đột phá trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ các đạo luật mới được thông qua, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã mở rộng tối đa và được bảo vệ một cách chắc chắn, an toàn hơn; rủi ro kinh doanh, rủi ro pháp lý, chi phí tuân thủ, v.v. cũng giảm đáng kể. Tất cả những thay đổi nói trên làm cho thị trường vận hành tốt hơn; tạo thuận lợi và khích lệ tinh thần kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Tuy vậy, vẫn còn đó không ít mối quan tâm. Đó là cơ cấu chi ngân sách bất hợp lý; chi thường xuyên, chi trả nợ tăng nhanh; và do đó, chi ngân sách cho đầu tư phát triển đang ngày càng giảm; bội chi ngân sách cao, vượt quá mức chấp thuận của Quốc hội; quản lý chi tiêu Ngân sách Nhà nước vẫn còn lỏng lẻo; hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước về cơ bản chưa được cải thiện. Nợ công đã ở mức cao và tăng nhanh trong mấy năm gần đây. Nợ xấu vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để, v.v. Các yếu tố nói trên chứa đựng nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô và làm hao mòn tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tóm lại, nền kinh tế nước ta đang có xu hướng phục hồi rõ nét và khá vững chắc. Song, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô và cả những yếu tố ngăn cản, làm chậm lại sự phục hồi tăng trưởng cao và bền vững. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, phải nỗ lực nhiều hơn, nhất quán và mạnh mẽ hơn trong đổi mới thể chế quản lý ngân sách Nhà nước, cải thiện hiệu quả chi tiêu công nói chung và đầu tư công nói riêng; giảm bội chi ngân sách Nhà nước và kiểm soát tốt nợ công; tiếp tục tái cơ cấu hiệu quả các tổ chức tín dụng…

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG VIỆN TRƯỞNG NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG