Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế thế giới: Chưa thể lạc quan

Kinh tế thế giới: Chưa thể lạc quan

Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang gặp phải “luồng gió ngược”.

Hội nghị thường niên IMF và WB năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Hội nghị thường niên IMF và WB năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Không phủ nhận rằng, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008, nhưng hiện tại đang có nhiều thách thức đặt ra. Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tăng trưởng đình trệ và đối mặt với nguy cơ suy thoái mới, bất ổn liên quan đến c\ác cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông và Ukraine, dịch bệnh Ebola hoành hành ở Tây Phi và những chính sách thắt chặt sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là những nguy cơ hiện hữu đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Theo IMF, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2014 khoảng 3,3% – một nhịp độ tăng trưởng được đánh giá là nhẹ, trước khi có thể hồi sinh mạnh hơn, khoảng 3,8% trong năm 2015. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde bày tỏ thất vọng khi cho biết kinh tế toàn cầu đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng bấp bênh với nhịp độ chậm hơn dự báo, rủi ro tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và bất bình đẳng tiếp tục gia tăng. Bà Christine Lagarde cũng cảnh báo Eurozone có thể rơi trở lại suy thoái nếu khu vực này không hành động quyết liệt để ngăn chặn nguy cơ suy thoái được đánh giá là nghiêm trọng ở thời điểm hiện nay.

Hai trong những mối nguy lớn khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới là căng thẳng địa – chính trị ở Trung Đông, Ukraine và dịch Ebola bùng phát khu vực Tây Phi đến nay vẫn chưa thể kiểm soát. Trên thực tế, rủi ro địa – chính trị là thách thức lớn nhất mà kinh tế thế giới phải đối mặt tại thời điểm hiện tại. Trước hết là sự leo thang trừng phạt kinh tế bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ EU đã khiến người Châu Âu phải hứng chịu hậu quả, trong khi đó, nền kinh tế Nga cũng chật vật bám trụ vì sự “đứt đoạn” trong hợp tác thương mại với phương Tây. Trung Đông tiếp tục là điểm nóng, Palestine và Israel vẫn chưa đạt tiến triển trong đàm phán hòa bình. Các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh không thể loại trừ tận gốc các nhóm vũ trang cực đoan. Dịch bệnh do virus Ebola đang hoành hành tại Tây Phi cũng phủ thêm bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu khi cướp đi tính mạng của hơn 4.000 người và tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.

Rủi ro lớn thứ hai đối với triển vọng kinh tế toàn cầu là tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chững lại. Theo thống kê mới đây của EU, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone quý II-2014 không tăng so với quý trước. Biểu hiện của 3 nền kinh tế lớn trong khu vực là Đức, Pháp và Italia đều gây thất vọng. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng đây là hậu quả từ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang bị buộc phải triển khai. Tại Châu Á, nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá tốt đã xuất hiện cú “nhào lộn” đột ngột với tăng trưởng GDP quý II-2014 giảm 6,8% – mức giảm lớn nhất kể từ sau trận động đất – sóng thần năm 2011. Trong số các nền kinh tế phát triển, Mỹ vẫn giữ đà tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định sự ôn hòa bề ngoài của nền kinh tế lớn nhất thế giới này không thể che đậy vấn đề đằng sau. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây thừa nhận tình hình phục hồi của Mỹ và toàn cầu vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Trước triển vọng không mấy sáng sủa, IMF đã kêu gọi các nước nỗ lực hơn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và các chính phủ không nên kìm hãm đà tăng trưởng bằng biện pháp siết chặt ngân sách quá mức. Tổ chức này cũng khuyến cáo các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng. Chỉ khi kích thích nhu cầu nội địa một cách đầy đủ; đồng thời thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân, mới có thể xoay chuyển cục diện mất cân bằng kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, thực hiện tăng trưởng mang tính nội sinh bền vững.

Như vậy, sau cơn đại suy thoái năm 2008, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều nguy cơ. Những thách thức nêu trên đang đòi hỏi các quốc gia phải có những bước đi mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để cải thiện bức tranh tăng trưởng vẫn có nhiều mảng màu u ám.