Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế tiếp tục đà phục hồi

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi

Nhìn lại kinh tế năm 2014, điểm nhấn lớn nhất chính là dù khó khăn nhưng hầu hết những chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đều đã đạt được, thậm chí có chỉ tiêu còn vượt kế hoạch đề ra nhờ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành từ T.Ư tới địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) Hà Huy Tuấn (ảnh nhỏ) đã khẳng định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên (PV) Báo Nhân Dânvề bức tranh kinh tế năm 2014.

PV: Sau hai năm không hoàn thành kế hoạch, năm 2014, chỉ tiêu tăng trưởng GDP đã đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra với mức 5,98%. Đồng chí đánh giá mức tăng trưởng này như thế nào và động lực chính nào đã tạo ra tăng trưởng kinh tế năm 2014?

Đồng chí Hà Huy Tuấn: Nếu đánh giá tổng quát thì các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,98% phản ánh tương đối sát với diễn biến tình hình kinh tế. Để đạt chỉ tiêu này, các chỉ tiêu khác cũng đều đạt được một cách đồng bộ như chỉ tiêu về xuất nhập khẩu, xuất siêu, tăng trưởng tín dụng, thu chi ngân sách, thậm chí còn vượt mức kế hoạch, đây là cơ hội để giảm bội chi ngân sách.

Bên cạnh đó, nền tảng của nền kinh tế là các doanh nghiệp (DN) cũng đạt kết quả khả quan. Cũng phải kể đến niềm tin của người tiêu dùng và của DN, tính đến ngày hôm nay, đều cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Như vậy, với chỉ tiêu GDP tăng 5,98%, theo UBGSTCQG đây là một chỉ tiêu khá vững chắc, bởi vì để tạo nên chỉ tiêu này thì các lĩnh vực cụ thể đều đạt kết quả hoàn thành và vượt mức kế hoạch.

Về động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế năm 2014, có thể thấy có bốn động lực chính, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Thứ nhấtlà, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng bắt đầu phát huy tác dụng đối với hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Rõ nét nhất là ở hai lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Thứ hailà, ổn định vĩ mô được duy trì, đã hỗ trợ tổng cầu, tăng sức mua và giảm lãi suất. Thứ balà, sản xuất được hỗ trợ phát triển nhờ chi phí đầu vào cho DN giảm do giá cả hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu thô giảm mạnh trong năm 2014, đồng thời với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuế và hải quan theo tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thứ tưlà, bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi hơn so với năm 2013 (mặc dù còn nhiều khó khăn và bất định) phần nào phục hồi thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Chính sách nới lỏng tiền tệ ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…) đã tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư lãi suất thấp trực tiếp và gián tiếp vào thị trường Việt Nam. Thêm vào đó là sự đóng góp của quá trình dịch chuyển đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Đông – Nam Á. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn do chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động dồi dào và ổn định về mặt chính trị…

PV: Bên cạnh thành tích tăng trưởng vượt kế hoạch, lạm phát cũng đã được kiểm soát ở mức thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Thị trường tài chính – tiền tệ ổn định với thanh khoản hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá… tiếp tục giữ ổn định, cán cân thanh toán thặng dư… Liệu có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô năm 2014 đã ổn định vững chắc, thưa đồng chí? Riêng lạm phát, có nên lo ngại về mức lạm phát thấp này không?

Đồng chí Hà Huy Tuấn: Như đã nói, theo UBGSTCQG, tình hình ổn định kinh tế vĩ mô đã được duy trì một cách vững chắc trong năm 2014.

Lạm phát cơ bản có xu hướng giảm từ đầu năm và ổn định trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ đã liên tục giảm kể từ tháng 7-2014 do ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực, giúp cải thiện thu ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách. Thị trường tiền tệ – ngân hàng dần ổn định, giảm bớt rủi ro với lãi suất huy động và cho vay đối với tổ chức kinh tế và cá nhân tiếp tục xu hướng giảm, hiện đang ở mức thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây. Tỷ giá duy trì ổn định. Hệ thống tổ chức tín dụng giảm bớt rủi ro với thanh khoản dồi dào, ổn định, chất lượng tài sản cải thiện đáng kể…

Riêng vấn đề lạm phát, nếu đánh giá theo mục tiêu chúng ta đề ra từ đầu năm 2014 thì chỉ tiêu lạm phát hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Đây là điều tích cực. Với tốc độ CPI cuối năm giảm như vậy thì vẫn có thể coi là hợp lý, mặc dù theo đánh giá của UBGSTCQG thì sức cầu của nền kinh tế vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra là 6,2%, còn lạm phát kiểm soát ở mức khoảng 5%…

Vậy đâu là những thách thức mà nền kinh tế cần vượt qua để đạt được mục tiêu này? Theo đồng chí, cần những giải pháp đột phá nào trong năm 2015?

Đồng chí Hà Huy Tuấn: Thách thức năm 2015 vẫn là xử lý những bất cập lớn mà chúng ta đã thảo luận nhiều. Thứ nhấtlà thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó việc đầu tiên phải xác định mô hình tăng trưởng mới là gì? Thứ hailà trong lĩnh vực thị trường tài chính, chúng ta vẫn phải quyết liệt xử lý nợ xấu. Thứ balà cần đẩy mạnh sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Thứ tưlà trong vấn đề ngân sách, chúng ta đang đứng trước thách thức giá dầu giảm trong khi cần tăng đầu tư công, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác của nền kinh tế, đặc biệt là không để chèn ép đến đầu tư của tư nhân. Đối với chính sách thu thì cần xác định theo xu hướng ổn định kèm theo có các biện pháp bảo đảm chi tiêu. Tiết kiệm chi tiêu được thảo luận nhiều nhưng triển khai thì cần phải quyết liệt ngay từ đầu năm.

Như vậy, nhìn tổng quát, năm 2014 đã tạo những tiền đề tốt cho năm 2015, như các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 đã đặt ra là hoàn thành, nhiều khuôn khổ pháp lý mới được xây dựng như Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)… và một số chính sách tài chính – tiền tệ mới được ban hành. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển, kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản ổn định… là cơ hội cho chúng ta tận dụng và tranh thủ. Về vấn đề hội nhập quốc tế, một loạt các hiệp định sắp thực hiện hoặc đang đàm phán và có nhiều khả năng ký kết trong năm 2015 như AEC, TPP… cũng sẽ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức. Và điều không thể không nhắc tới là năm 2015 sẽ là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch năm năm phát triển kinh tế – xã hội (2011-2015) và để tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII, tôi tin tưởng rằng, từ T.Ư tới địa phương đều có quyết tâm cao nhất để hoàn thành kế hoạch năm năm ngay từ đầu năm. Ý chí quyết tâm và giải pháp triển khai thực hiện của toàn hệ thống sẽ có sức lan tỏa tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Về giải pháp đột phá trong năm 2015, tôi cho rằng, cần tạo ra được niềm tin và động lực cao hơn nữa để DN tích cực và chủ động đầu tư, sáng tạo thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh của mình. Nếu được như vậy, thì hoàn toàn có thể tin tưởng rằng năm 2015 sẽ là năm thành công. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý vấn đề kinh tế xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đây cũng là một bài toán đặt ra. Trong bối cảnh giá dầu và một số sản phẩm giảm, rất dễ xảy ra xu hướng chạy theo thành tích và lợi nhuận mà sử dụng các sản phẩm có mặt trái là làm hủy hoại môi trường, tác động tới phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, cũng cần có chính sách bảo đảm kinh tế xanh và kinh tế an toàn trước mắt và lâu dài .

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

HẢI THU (Thực hiện)