Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế TP.HCM chuyển biến tích cực

Kinh tế TP.HCM chuyển biến tích cực

Báo cáo tại cuộc họp ngày 29-8 về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách TP.HCM tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016 thành phố và công tác trọng tâm tháng 9 năm 2016, UBND TP.HCM cho biết, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế có những chuyển biến tích cực.

Mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn của doanh nghiệp TP.HCM.

Cụ thể, đối với đầu tư trong nước, có 23.540 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 196.255 tỷ đồng. So cùng kỳ năm trước tăng 16,5% về số lượng  doanh nghiệp và tăng 52,6% về vốn đăng ký. Ngoài ra, có 35.307 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Tính  chung  tổng  vốn  đăng ký và bổ  sung là 319.482 tỷ đồng,  tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Về đầu tư nước ngoài, có 525 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn  đầu tư đạt 715,5 triệu USD.  Có 102 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu  tư. TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.121 trường  hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký khoảng 11,5 tỷ USD.

Với xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính chung cả vốn FDI thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư  và vốn FDI thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong  các doanh nghiệp trong nước 8 tháng đầu năm, thành phố thu hút được 2,21 USD, tương ứng với khoảng 80% giá trị vốn đầu tư cùng kỳ năm trước.

Ở lĩnh vực công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp tháng 8 ước tăng 5,47% so với cùng kỳ.Tính chung 8 tháng đầu năm 2016, ước tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành tăng cao như  sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, máy móc thiết bị… 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao  năng  suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 7,1% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 197.792,29 tỷ đồng, đạt 66,31% dự toán, tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước.Trong đó, thu nội địa 123.611,48 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, tăng 19,04% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 9.380,81 tỷ đồng, đạt 51,54% dự toán, giảm 42,58% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 64.800 tỷ đồng, đạt 63,22% dự toán, tăng 8,35% so cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong tháng 8 ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước. Nếu không  tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 18,4 tỷ USD, tăng 6,4%. Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Trung Quốc tăng 29,4%, sang Hồng Kông tăng 19,5%, Hàn Quốc tăng 30,8%, Indonesia tăng 167,5%, Hà Lan tăng 23,6%, Ấn Độ tăng 45,8%…

Mặt hàng xuất khẩu được duy trì với mức tăng khá trong 8 tháng đầu năm như cà phê tăng 39,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 13,6%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 29,6%, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 23,2%.

Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Malaysia, Austraulia, Mỹ, Philippines, Singapore, Pháp… đang có dấu hiệu chậm lại.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở ngành nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2016 cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến 2020, trong đó tập trung xây dựng, triển khai thựchiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp. Nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp góp ý nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Đặc biệt, nghiên  cứu,  xây  dựng  kế  hoạch  thúc  đẩy  hoạt  động  khởi  nghiệp sáng tạo để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, trí thức. Mục tiêu đến năm 2020, TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp. Hiện nay, TP.HCM có 259.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có nhiều hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện để khuyến khích họ chuyển sang doanh nghiệp. Vấn đề là cần có cơ chế thúc đẩy họ, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Thu Dịu