Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kỳ I: Hệ lụy từ tổn thất điện năng

Kỳ I: Hệ lụy từ tổn thất điện năng

Mặc dù tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng nhiều khách hàng sử dụng điện vẫn cho rằng, tỷ lệ tổn thất ở Việt Nam vẫn còn cao và là một trong những nguyên nhân khiến giá điện không giảm. Vậy cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Lưới điện đạt chuẩn sẽ giúp giảm tổn thất điện năng

Hiểu đúng về tổn thất

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam – cho biết, TTĐN trên lưới điện là lượng điện năng tiêu hao (mất đi) trong quá trình truyền tải và phân phối điện khi tải điện từ ranh giới giao nhận từ các nhà máy phát điện qua lưới điện truyền tải, phân phối đến các khách hàng tiêu thụ điện.

Có nhiều nguyên nhân gây TTĐN như đường dây càng dài, thiết bị điện cũ, tiết diện dây dẫn không phù hợp, nguồn điện phát xa nơi tiêu thụ và các yếu tố vật lý như điện môi, vầng quang, hỗ cảm… (tổn thất kỹ thuật) hoặc điện năng bị trộm cắp, thiết bị điện bị hư hỏng không được thay thế kịp thời, hay do chủ quan nhân viên điện bỏ sót hoặc ghi sai chỉ số công tơ… (tổn thất thương mại).

Dù là nguyên nhân gì thì TTĐN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành Điện, gây tác động tiêu cực lên cả nền kinh tế – xã hội. Về phía nhà nước, TTĐN có ảnh hưởng đến chính sách sử dụng năng lượng, bảo vệ tài nguyên môi trường, đầu tư phát triển lưới điện… Đối với các doanh nghiệp ngành Điện, tổn thất sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến công tác đầu tư, quản lý vận hành. Còn với khách hàng sử dụng điện, tổn thất càng cao thì người tiêu dùng càng phải trả nhiều tiền điện với giá thành cao. Do đó, vấn đề giảm TTĐN luôn là mối quan tâm của nhiều lãnh đạo và người dân ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Giảm tổn thất – nhiệm vụ cấp bách

Ở Việt Nam, do tính chất đặc thù của vị trí địa lý kéo dài, tài nguyên sản xuất điện nằm chủ yếu ở phía Bắc, trong khi đó, khu vực phía Nam lại là nơi tiêu thụ điện năng lớn nhất cả nước. Chính sự mất cân đối này, hàng năm ngành Điện phải hao phí mất một sản lượng điện do phải truyền tải hàng chục tỷ kWh điện trên lưới.

Thống kê thực tế và tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng phụ tải của Việt Nam trung bình đạt trên 10%/năm, thậm chí có khu vực còn đạt trên 17%. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4.000 – 5.000MW nguồn điện mới có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế – xã hội. Đây là một thách thức không nhỏ cho ngành Điện Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn cơ bản đã hết; tình hình than, khí cấp cho điện ngày càng khó khăn, nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa phát triển và nếu có cũng chỉ là nguồn thứ cấp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Đối với lưới điện, hệ thống điện của Việt Nam đã đứng vào top 2 của khu vực với trên 41.100km đường dây 500 – 220 – 110kV và trên 440.000km đường dây trung thế và hạ thế các loại. Tuy nhiên, theo ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN – lưới điện phân phối ở nhiều khu vực, nhất là miền Bắc và miền Trung, còn chưa đồng bộ với nhiều cấp điện áp, lưới điện chưa đạt chuẩn N-1, N-2 (chưa có dự phòng), lại chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan dẫn đến tỷ lệ tổn thất vẫn còn cao.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, năm 2015, điện sản xuất và mua của EVN đạt 159,4 tỷ kWh, nếu tỷ lệ tổn thất là 7,94%, thì sản lượng mất đi là trên 12,5 tỷ kWh, tương đương khoảng 19 nghìn tỷ đồng. Con số này đồng nghĩa mỗi năm chúng ta mất đi số điện do Nhà máy Thủy điện Sơn La sản xuất, cộng thêm một tổ máy của nhiệt điện Vũng Áng 1 (khoảng trên 3.000 MW).

Tổn thất điện năng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do yếu tố kỹ thuật, nó phụ thuộc vào đặc điểm hệ thống điện và chi phí đầu tư cho hệ thống. Do đó không thể giảm về 0 được. Tuy nhiên, EVN đã và đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng các giải pháp mới để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức hợp lý nhất có thể.

Đình Dũng