Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Minh bạch, công bằng tạo hiệu quả lớn

Minh bạch, công bằng tạo hiệu quả lớn

“Sau 4 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT) đã đi đúng hướng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước” – đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại lễ tổng kết công tác vận hành TTPĐCT và thị trường bán buôn điện cạnh tranh 2016 tổ chức ngày 22/7, tại Quảng Nam.

Thị trường phát điện cạnh tranh giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong huy động các nguồn điện

Minh bạch, công bằng trong huy động các nguồn điện

Phát triển TTPĐCT là chiến lược dài hạn của ngành Điện, đã được quy định trong Luật Điện lưc năm 2004 và tiếp tục được cụ thể hóa trong Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện lộ trình được phê duyệt, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị đưa TTPĐCT chính thức vận hành từ ngày 1/7/2012. Qua 4 năm vận hành, TTPĐCT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 6/2016, đã có 72 nhà máy điện (NMĐ) tham gia giao dịch trên thị trường với tổng công suất 16.719MW, tăng 2,3 lần so với thời điểm mới vận hành vào tháng 7/2012 (31 NMĐ tham gia) và tăng 1,2 lần so với thời điểm tháng 7/2014 (có 60 NM tham gia). Tổng doanh thu trực tiếp từ TTPĐCT của các NMĐ trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 là 102,434 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng, công tác vận hành TTPĐCT thời gian qua đảm bảo an toàn, tin cậy, liên tục. Các đơn vị tham gia hoạt động trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định. Hệ thống văn bản pháp lý được củng cố, kịp thời phát hiện các vướng mắc phát sinh để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình vận hành. Về cơ bản, TTPĐCT đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy. Đồng thời bảo đảm giá phát điện được thiết lập theo quy luật khách quan. Hoạt động theo cơ chế thị trường đã góp phần tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện, thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giảm chi phí phát điện của các NMĐ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng thủy văn nên trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) không tham gia TTPĐCT được do mực nước dưới giới hạn cho phép như: Tổng công ty phát điện 1 (EVN Genco 1) có 4 NM nhiệt điện và 11 NMTĐ thì nhiều NM phải tách ra khỏi TTPĐCT như Đami, Đồng Nai, Hàm Thuận…

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, các NMĐ chỉ mới cung cấp được 45% sản lượng điện tiêu thụ, đến cuối năm nay đưa thêm một số nhà máy tham gia vào TTPĐCT cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% là quá thấp.

Để TTPĐCT vận hành tốt hơn, Tổng cục Năng lượng, Cục Điều tiết điện lực, Công ty Mua bán điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia… cần hướng dẫn các đơn vị mới tham gia TTPĐCT kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh để hỗ trợ DN. Tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về TTPĐCT để nâng cao hiệu quả cho các đơn vị. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần triển khai nhanh giai đoạn 2 – phát triển công nghệ thông tin đã được phê duyệt để phục vụ thị trường bán buôn điện cạnh tranh (BBĐCT). Cục Điều tiết điện lực chỉ đạo các đơn vị trang bị hoàn chỉnh hệ thống Scada để kết nối, xử lý nhanh theo quy định; rà soát rút ngắn quy trình mua bán, thanh toán. Đặc biệt, các NMTĐ cần đảm bảo tích nước, thực hiện đúng, đầy đủ quy chế liên hồ chứa, khi xả nước về hạ du cần đảm bảo đúng quy trình. Các NM nhiệt điện cần quan tâm đến việc xả thải ra môi trường khi vận hành, không được gây ô nhiễm môi trường…

Hoàn thiện cơ sở pháp lý thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, ngày 10/8/2015, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt Thiết kế thị trường BBĐCT. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai thực hiện một loạt các công tác chuẩn bị hoàn thiện khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Hạ tầng thiết bị hiện đại bảo đảm vận hành an toàn phát điện cạnh tranh

Thị trường BBĐCT thí điểm đã được vận hành từ ngày 1/1/2016 nhằm tạo điều kiện để các tổng công ty điện lực làm quen với các cơ chế mới, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chuẩn bị vận hành chính thức thị trường  BBĐCT vào năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều quyết định: phê duyệt thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng CNTT, đề cương đào tạo… phục vụ thị trường BBĐCT.

Theo kế hoạch dự kiến, thị trường BBĐCT sẽ tiếp tục được vận hành thí điểm trong giai đoạn 2017-2018 và chính thức vận hành từ năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương thường xuyên quan tâm chỉ đạo nhiều nội dung liên quan đến cấu trúc ngành, khung pháp lý, hạ tầng CNTT và công tác đào tạo nâng cao năng lực của các đơn vị.

Trần Minh Tích