Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Năm 2015, dầu thô đi về đâu?

Năm 2015, dầu thô đi về đâu?

 Năm 2015, Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận khả năng bỏ luật cấm xuất khẩu dầu.

Giá dầu thô lao dốc trong năm 2014 nhưng ai mong giá dầu tăng trở lại sẽ phải thất vọng. Lý do: Nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới đang xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong khi Mỹ tăng khai thác dầu đá phiến ở mức cao nhất từ những năm 1980.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dự báo thị trường dầu thô năm 2015 có năm mối quan tâm:

Một số nước OPEC sẽ phá rào? Tại hội nghị ở Vienna (Áo) hồi tháng 11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng dầu khai thác 30 triệu thùng/ngày.

OPEC dự báo nhu cầu dầu thô năm 2015 sẽ giảm thấp nhất trong 12 năm qua, chỉ còn 28,9 triệu thùng/ngày.

Giá dầu đang thấp hơn mức các nước OPEC, trừ Kuwait và Qatar, cần phải có để cân bằng ngân sách.

Tập đoàn tài chính Citigroup (Mỹ) nhận định Saudi Arabia có đủ dự trữ ngân sách để thắng cuộc chiến giá dầu với các công ty dầu đá phiến của Mỹ. Tuy nhiên, các nước OPEC đều phải chịu thiệt hại lớn.

Bởi thế trong năm 2015 có thể một số nước OPEC sẽ phá rào. Chuyên gia Jeffrey Rosenberg ở công ty quản lý đầu tư BlackRock Advisors Inc. (Mỹ) dự báo OPEC sẽ trải qua thời kỳ khó khăn để duy trì đoàn kết trong OPEC.

Tăng trưởng yếu, phải cắt giảm chi tiêu trong năm 2015. Biếm họa của MICHAEL KOUNTOURIS (Hy Lạp)

Dầu đá phiến của Mỹ bị ảnh hưởng? OPEC quyết định để giá dầu rơi tự do (bằng cách giữ nguyên sản lượng khai thác) nhằm cản trở các công ty Mỹ mở rộng khai thác dầu đá phiến.

Hàng chục công ty dầu đá phiến của Mỹ phải cắt giảm đầu tư. Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ phải hạ mức dự báo tăng trưởng dầu đá phiến.

Công ty cung cấp dịch vụ thông tin năng lượng Genscape Inc. (Mỹ) nhận định trong năm 2015, ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ sẽ còn bị tác động nghiêm trọng hơn.

Cổ phiếu các công ty năng lượng Mỹ đã giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư lo ngại giá cổ phiếu sẽ còn xuống nữa.

Nhu cầu dầu thế giới khó tăng? Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới giảm do tăng trưởng kinh tế yếu ở châu Âu và châu Á.

Cơ quan Năng lượng quốc tế kỳ vọng mức tiêu thụ dầu sẽ tăng trong năm 2015.

Tuy nhiên, tại Mỹ nhu cầu xăng sẽ không tăng vì xe ô tô sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn và nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn.

Chuyên gia Tamar Essner ở sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) nhận định xe cộ tiết kiệm nhiên liệu sẽ làm giảm nhu cầu xăng dầu lâu dài, vì vậy dù giá dầu xuống thấp thì nhu cầu vẫn không thể cao trở lại.

Chuyên gia này không nhìn thấy tín hiệu tích cực nào đủ mạnh để làm thay đổi xu hướng nhu cầu xăng dầu hiện nay.

Mỹ xuất khẩu dầu thô nhiều hơn? Luật của Mỹ chỉ cho xuất khẩu dầu thô sang Canada hoặc tái xuất dầu thô nước ngoài nhập vào Mỹ để bảo đảm nguồn dầu dự trữ.

Giá dầu giảm đã khơi mào cuộc tranh luận về luật hạn chế xuất khẩu dầu khai thác tại Mỹ. Các công ty khai thác dầu muốn bỏ luật này để tiếp cận mức giá cao hơn trên thị trường quốc tế. Ngược lại, các công ty lọc dầu lại ủng hộ luật cấm vì có lợi về chi phí sản xuất.

Năm 2014, Mỹ xuất khẩu 314.000 thùng/ngày. Phát biểu trước Tiểu ban Năng lượng và Điện (Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ) ngày 11-12, Giám đốc Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Adam Sieminski nói Mỹ có thể xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày nếu hủy bỏ luật cấm xuất khẩu.

Trong năm 2015, Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức điều trần về khả năng hủy bỏ luật cấm này.

Bất ổn địa-chính trị làm giảm nguồn cung? Hồi tháng 6, trong bối cảnh xung đột ở miền Đông Ukraine và phiến quân Nhà nước Hồi giáo áp sát Baghdad (Iraq), các nhà phân tích đã dự báo giá dầu sẽ tăng vọt trên 114 USD/thùng do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.

Còn bây giờ các chuyên gia đang thẩm định mức giá dầu thấp đã gây khó khăn cho các nước xuất khẩu dầu thế nào.

Đối với Nga, lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu cùng với giá dầu giảm đã khiến Nga phải đối mặt với suy thoái, lạm phát tăng và khủng hoảng tiền tệ. Venezuela đang vật lộn với lạm phát, vốn đầu tư thất thoát và nguy cơ vỡ nợ khi giá dầu giảm.

Khi địa-chính trị ổn định, nguồn cung dầu sẽ ổn định. Ví dụ từ tháng 4 đến tháng 10-2014, sản lượng dầu ở Libya tăng gấp bốn lần khi chiến sự giảm.

Sản lượng dầu của Iraq lên gần mức cao nhất trong 13 năm qua khi Iraq đạt được thỏa thuận cho phép khu vực người Kurd bán thêm dầu.

Nếu Iran đồng ý dừng chương trình hạt nhân để phương Tây giảm cấm vận, Iran cũng có thể tăng gấp đôi sản lượng dầu lên 4,8 triệu thùng/ngày.

Do đó chuyên gia Brian Youngberg ở công ty dịch vụ tài chính Edward D. Jones & Co. (Mỹ) nhận định giá dầu thấp chắc chắn sẽ dẫn đến bất ổn địa-chính trị và tình hình này có thể đe dọa nguồn cung.

Tại Algeria ngày 28-12, Bộ trưởng Năng lượng Youcef Yousfi đưa ra đề nghị: “OPEC phải can thiệp để chỉnh đốn tình hình mất cân đối bằng cách cắt giảm sản lượng dầu để giá dầu tăng và bảo đảm nguồn thu cho các nước thành viên”. Algeria là nước thành viên OPEC với 95% nguồn thu xuất khẩu từ tiền bán dầu khí. Tiền thuế từ dầu đóng góp 60% ngân sách quốc gia. Do giá dầu giảm, chính phủ vừa mới thông qua loạt cắt giảm chi tiêu đầu tiên như ngừng tuyển dụng công chức. Bộ trưởng Youcef Yousfi dự báo giá dầu có thể tăng lên mức  60-70 USD/thùng trong năm 2015 và đạt mức 80 USD/thùng năm 2016.

TNL

____________________________________________

53,76USD/thùng là giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao trong tháng 2-2015 trong khi giá dầu biển Bắc giao cùng kỳ có giá 58,02 USD/thùng. Giá dầu trong phiên giao dịch ở châu Á sáng 30-12 là mức giá thấp nhất kể từ năm năm nay. Giá dầu thô đã giảm hơn 50% kể từ giữa tháng 6-2014 do nguồn cung dồi dào, nhu cầu giảm và đồng USD mạnh.

Hồi tháng 9 (dầu thô Venezuela) là 95 USD/thùng. Bây giờ ngày 29-12 giá chỉ còn 48 USD/thùng.

Tổng thống Venezuela NICOLAS MADURO

LÊ LINH