Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Năm 2015: vấn đề nợ công sẽ trở nên nóng hơn?

Năm 2015: vấn đề nợ công sẽ trở nên nóng hơn?

Vấn đề nợ công đã thu hút sự chú ý rất lớn trong vài tháng qua và chắc sẽ còn là “vấn đề nóng” trong năm 2015

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa chia sẻ với TBKTSG Online góc nhìn về nợ công như vậy.

Theo đó bà Victoria Kwakwa cho biết bà nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề nợ công của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Dù cho rằng Việt Nam không đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đang dần tới, song điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phớt lờ chuyện nợ công đang tăng lên nhanh chóng.

Đặc điểm của các quốc gia mang nặng nợ đã được biết rõ. Trong giai đoạn bùng nổ, các chính phủ, dư dả với các nguồn lực tài chính, thấy các thị trường quá sẵn sàng để vay và đã dễ dàng tăng chi tiêu công. Nhưng khi suy giảm, hoặc xấu hơn là một cú sốc kinh tế, xảy ra, các quốc gia nợ quá nhiều sẽ thấy mình suy kiệt. Thâm hụt tài chính đột nhiên tăng lên và tín dụng cạn kiệt.

“Căn cứ vào các phân tích về tính bền vững của nợ công năm 2014 mà Ngân hàng Thế giới đã thực hiện, Việt Nam vẫn còn thuộc diện có nguy cơ thấp đối diện với vấn đề nghiêm trọng – nhưng có thể có vài cú va chạm trên đường, và Việt Nam đang có các điều chỉnh”, bà Victoria Kwakwa nhận định.

Câu hỏi về nợ công của Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều
Câu hỏi về nợ công của Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều

Tuy nhiên trên thực tế cách đây 13 năm, năm 2001, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chỉ mới là 11,5% GDP thì đến năm 2010, con số này đã tăng gần 5 lần, lên 51,7% GDP.

Trong 3 năm kế tiếp, từ 2010-2013, nợ công đi ngang, chỉ tăng tiếp lên 54,2%. Nhưng năm 2014, nợ công dự tính sẽ lại tăng vọt lên tới tận 60,3% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đến nhiều quan chức khác cho rằng nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn.

TS Vũ Quang Việt cho rằng, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…

TS Vũ Quang Việt cũng lưu ý nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia.

Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.

“Như thế, về nguyên tắc, nếu tập đoàn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ phải dùng tiền thuế của dân để trả thay”, TS. Việt nhận định.

Nếu tính theo số liệu cộng dồn của TS. Vũ Quang Việt, thì bình quân mỗi người Việt phải gánh khoảng 1,5 nghìn USD nợ công.

TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cũng lo ngại, nếu tính đủ nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP, trong khi đó ngưỡng này được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020.

Tuy nhiên giới chuyên môn lo ngại, nếu cách tính nợ công không theo chuẩn sẽ khiến dư luận hoài nghi về con số nợ và quan trọng hơn chúng ta sẽ không ý thức được số nợ đáng ra phải trả sẽ là bao nhiêu để ý thức hơn việc tiết kiệm trong chi tiêu công.

Còn TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng nói: việc Việt Nam nợ công bao nhiêu đều được công khai, song con số đã thực sự chuẩn chưa thì lại là chuyện khác.

Ông Kiên cũng cho biết: “Hiện nay, chúng ta không có chuẩn mực nào để đánh giá là nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào, nguy hiểm, không nguy hiểm hay an toàn. Tất cả điều đó chỉ có tính chất là giả định”.

Phương Nguyên (Tổng hợp)