Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Những bất ngờ trên TTCK

Những bất ngờ trên TTCK

Chỉ số VN-Index đã mất gần 18 điểm với 226 mã chứng khoán giảm đỏ sàn, chỉ còn vài chục mã đầu cơ le lói, xanh điểm vào thứ 5 tuần trước. Ngưỡng tâm lý hỗ trợ 600 điểm mà nhiều người kỳ vọng chắc chắn khó xuyên thủng thì đã giảm sâu về mốc 585 điểm. Phiên giao dịch cuối tuần, cứ tưởng thị trường lại bị đè sâu hơn nữa thì bất ngờ dòng tiền bắt đáy đổ vào rất mạnh giúp chỉ số chỉ bị sụt giảm nhẹ.

Thị trường chẳng có tin xấu, tiêu cực tác động vào nhưng NĐT vẫn hoảng loạn và bán tháo. Thông tin tiêu cực nhất là thị trường thế giới giảm điểm và NĐT ngoại xả hàng kỷ lục đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của NĐT trong nước.

Hoặc thị trường vừa trải qua đợt tăng nóng khi NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính mức cao, kỳ vọng vàolợi nhuận lớn nên đã đổ hết tiền vào đây. Giá cổ phiếu đã tăng quá nóng, vượt xa giá trị thực nên buộc phải điều chỉnh về mức hợp lý. Tất cả tạo ra những bất ngờ cho thị trường.

Xác nhận xu hướng giảm điểm

Vào thời điểm trước, thị trường giảm điểm là do bị “cưỡng bức” những cổ phiếu lớn nhằm gom hàng giá rẻ. Tuy nhiên, trong những phiên vừa qua, thị trường đã giảm điểm nhiều phiên liên tiếp. Hoạt động giao dịch chủ yếu của khối nội giằng co, giữ thị trường không bị giảm sâu, nhưng khi sang phiên chiều thì lực bán tháo thường tăng mạnh khiến thị trường giảm sâu.

Hoạt động bắt đáy dù có tăng lên nhưng cũng không sao cứu vãn được đà lao dốc không phanh của thị trường. Đây sẽ là đợt giảm điểm cực mạnh thứ hai từ sau sự kiện biển Đông diễn ra hồi tháng 5.

Vì sao thị trường lại giảm cực mạnh trong khi toàn tin tốt xuất hiện, kinh tế ổn định, lãi suất giảm, nhiều DN có lợi nhuận cao? Thực tế, nền kinh tế trong nước vẫn tốt lên chứ không phải trên đà suy giảm, nên đà bán báo của khối ngoại sẽ dừng lại trong thời gian tới và thị trường sẽ tốt dần lên.

Với những phiên giảm mạnh như trên, thị trường chính thức xác nhận gẫy đà tăng và sự thất bại của đợt tích lũy lỏng lẻo vừa qua. Trong đó những cổ phiếu dẫn đầu cũng bị bán mạnh, có thể khiến thị trường tiếp tục giảm sâu hoặc mất nhiều thời gian để ổn định, chặt chẽ trở lại.

Trước áp lực bán tháo, dòng tiền vẫn còn ở ngoài thị trường quan sát mà chưa mạnh tay mua vào. NĐT mạo hiểm đã mạnh dạn bắt đáy nhưng cũng có thể túm phải dao rơi. Bởi thị trường giảm điểm mạnh trong phiên vừa qua có thể là đến từ áp lực hạ đòn bẩy margin.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ đòn bẩy đã lên cao hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng khi thị trường tăng thì chẳng ai để ý tới còn thị trường giảm điểm thì mọi thứ đã lộ ra khá rõ.

Áp lực từ khối ngoại

Chỉ tính riêng tuần qua, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp là một trong những tác nhân chính khiến thị trường suy giảm mạnh. Áp lực bán nhanh và mạnh vào thẳng mức giá chờ mua cho thấy mức độ bán khá quyết liệt của khối ngoại.

Họ chủ yếu tập trung vào các bluechip, có giá trị vốn hóa lớn khiến giá trị bán ròng của cả tuần lên đến hơn 1.400 tỷ đồng, nhưng chủ yếu tập trung vào tuần giao dịch trước với khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là tác nhân kéo chỉ số giảm điểm và cũng là diễn biến khó lường nhất.

Điều đó cho thấy NĐT nước ngoài đã bán ròng trong suốt thời gian qua. Họ có chiến lược đầu tư linh hoạt, tích cực mua vào khi thị trường giảm điểm và bán ra mạnh khi thị trường tăng điểm.

Một khi lực bán mạnh từ khối ngoại giảm dần thì nhiều cổ phiếu tốt sẽ hồi phục trở lại. Hiện tại, nhiều DN vẫn duy trì được kết quả kinh doanh ấn tượng. Cho nên, sau phiên lao dốc hôm cuối tuần trước, NĐT có thể tích lũy cổ phiếu trở lại để thăm dò thị trường.

Đối với những NĐT trung và dài hạn, đây cũng là cơ hội tốt để mua vào. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, dòng cổ phiếu BĐS và đầu cơ đã lôi kéo, thu hút dòng tiền đổ vào đây rất mạnh, khiến cho đà giảm của thị trường từ mức cao chỉ bị suy yếu nhẹ.

Tuy nhiên, đây là giai đoạn bất ổn nên ngưỡng giao dịch tăng, giảm là khá nhạy cảm và rất mong manh. NĐT ngắn hạn tiếp tục chờ đợi thay vì tìm kiếm cơ hội lợi nhuận.

Trên phương diện kỹ thuật, cả 2 chỉ số đều có giảm sâu, nếu lực bán tiếp tục mạnh, nên chỉ số VN-Index có thể lui về vùng 560, thậm chí là 550. Diễn biến trên cho thấy tâm lý NĐT dù chưa đến mức hoảng loạn, nhưng đã bắt đầu chuyển từ trạng thái thận trọng sang bi quan trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia chứng khoán, chỉ số đang trong xu hướng giảm khá tiêu cực khi nó xuyên thủng các mốc hỗ trợ quan trọng và nhiều trụ đỡ bị gẫy, nên các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục xấu đi trong ngắn hạn.

Lê Thuận