Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tăng cường tính minh bạch và giám sát chặt chẽ

Tăng cường tính minh bạch và giám sát chặt chẽ

Để cung cấp tới bạn đọc cái nhìn đa chiều hơn về Dự thảo Quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).

Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát

Xin ông cho biết, tại sao Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg (Quyết định 69) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lại cần thay thế bằng quyết định mới?

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng và ngưỡng điều chỉnh giá bán điện là 7%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương)

Trong năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã xem xét đánh giá việc thực hiện Quyết định 69. Ý kiến chung đều cho rằng, quyết định này đã giúp quy trình xem xét, điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước. Tuy nhiên, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định 69 vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm tách bạch rõ cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm theo biến động các thông số đầu vào cơ bản và cơ chế điều chỉnh giá điện hàng năm theo biến động thông số đầu vào của tất cả các khâu; quy định thẩm quyền quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi điều chỉnh giá bán điện trong phạm vi cho phép, đồng thời tăng cường việc giám sát của cơ quản quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chi phí sản xuất kinh doanh điện các khâu và giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm. Đặc biệt, qua xem xét, các bộ, ngành và nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định: Trong các năm tới, việc quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong năm. Mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên cũng được đánh giá là cao, mỗi lần tăng giá điện sẽ có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.

Trên cơ sở như vậy, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 69 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới của dự thảo quyết định lần này?

Nội dung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường và Quy định 69. Dự thảo Quyết định gồm 9 điều với các điểm thay đổi chính:

Một là, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định tại Quyết định 69 với 4 trường hợp.

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện được tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

Nếu sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng; phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các khách hàng sử dụng điện về Dự thảo mới. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị, xem xét chỉnh lý nội dung Dự thảo Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.

Trong trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điểm thay đổi lớn thứ hai là việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.

Hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của năm trước liền kề. Khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương chủ trì họp báo công bố công khai kết quả, đồng thời công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực.

EVN tăng cường đầu tư hệ thống điện

Dự thảo quy định mới đã được Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các khách hàng sử dụng điện lớn trong ngành xi măng, thép… theo đúng quy định. Dự thảo cũng đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương từ tháng 2/2016 để lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện.

Xin ông cho biết, tại sao trong Dự thảo Quyết định lại trao EVN quyền điều chỉnh giá điện? Bộ Công Thương sẽ có biện pháp gì để giám sát EVN trong việc điều chỉnh?

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 thì giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng trên cơ sở khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định. Thủ tướng Chính phủ cũng quy định về cơ chế điều chỉnh giá. Tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg trước đây quy định, EVN đã được phép điều chỉnh giá bán điện sau khi đăng ký với Bộ Công Thương. Quyết định 69 cũng quy định EVN được phép điều chỉnh giảm giá bán điện khi giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật thấp hơn giá bán bán điện bình quân hiện hành, quyết định tăng giá bán điện bình quân từ 7 đến dưới 10% sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận. Do vậy, đề xuất quy định được phép quyết định điều chỉnh giảm giá điện (không giới hạn tỷ lệ giảm), quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với quy định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Để giám sát việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN, trong Dự thảo Quyết định mới đã quy định trường hợp EVN quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xem xét, kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN. Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo của EVN, nếu phát hiện có các sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng việc tăng giá điện.

Xin cảm ơn ông!

Đình Dũng