Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tăng vốn: Hiệu quả đến đâu?

Tăng vốn: Hiệu quả đến đâu?

tang-von-hieu-qua-den-dau

Chứng khoán tăng mạnh là lý do nhiều doanh nghiệp quyết định phát hành thêm để tăng vốn. Ảnh: Bảo Trọng

Trong quý I/2014, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh với VN-Index tăng 17,3% và HNX-Index tăng đến 31,7%. Hầu hết cổ phiếu đều tăng giá mà không có sự phân hóa, nhiều mã cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá trong thời gian dài đã có cơ hội tăng tốc. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp niêm yết quyết định đăng ký phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

 Hai doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (CLG) khi đăng ký chào bán 20 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần và Công ty Luyện Kim Phú Thịnh (PTK) đăng ký phát hành thêm 21,6 triệu cổ phần.

 Không ít công ty cũng đăng ký phát hành thêm để tăng vốn điều lệ từ 50% trở lên như Công ty Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG), Công ty Việt An (AVF), Công ty Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR), Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Đầu tư Nam Long (NLG), Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), Công ty Giống Cây trồng Trung Ương.

 Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của các doanh nghiệp cho thấy đa số tăng vốn với mục đích tài trợ dự án còn dang dở hoặc phát triển dự án mới, bổ sung vốn kinh doanh.

 Thị trường chứng khoán được thành lập với mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn bên cạnh vốn vay ngân hàng. Việc huy động vốn này có một số ưu điểm như giúp doanh nghiệp cân đối được tỉ lệ nợ và vốn chủ sở hữu, cũng như giảm áp lực trả lãi khi chưa chắc chắn về dòng tiền thu được. Bên cạnh đó, nếu dự án kinh doanh khả thi nhưng thiếu tài sản thế chấp, việc huy động vốn từ cổ đông sẽ thuận tiện hơn so với vay vốn ngân hàng.

 Tuy nhiên, việc sử dụng vốn từ nguồn này thường không đạt hiệu quả như khi sử dụng vốn vay ngân hàng. Giải thích nguyên nhân về việc nhiều dự án không đạt hiệu quả trong những năm qua, ông Lê Văn Thanh Long, chuyên viên cao cấp của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, cho rằng không ít doanh nghiệp triển khai dự án dù có hiệu quả hay không, bởi lợi ích cá nhân thu được khi có dự án lớn hơn nhiều so với những gì ban điều hành được hưởng từ kết quả kinh doanh tốt của doanh nghiệp.

 Xảy ra mâu thuẫn lợi ích trên là do tình trạng bất cân xứng thông tin giữa người điều hành và người ủy quyền. Các cổ đông sẽ không hiểu rõ về quá trình thực hiện và hiệu quả của dự án, trong khi người điều hành lại nắm được tình hình thực tế. Đối với những dự án không hiệu quả, việc phát hành thêm sẽ đơn giản hơn so với vay vốn, vì ngân hàng sẽ thẩm định dự án rất kỹ rồi mới cho vay. Cũng có trường hợp, ban đầu doanh nghiệp huy động vốn với kỳ vọng về tính khả thi của một dự án nào đó, nhưng khi có vốn, áp lực sử dụng sao cho hiệu quả cũng khiến người điều hành lúng túng và đem tiền đi đầu tư một cách dàn trải.

 Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Sacom (SAM) là một ví dụ. Năm 2010, cái tên Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu Viễn thông của SAM đã được đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom. Điều này cho thấy từ một doanh nghiệp sản xuất, SAM đã trở thành một công ty đầu tư đa ngành, từ bất động sản, chứng khoán cho đến du lịch.

 Năm 2011, SAM phát hành thêm gần 65,4 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Nhưng việc mở rộng đầu tư đa ngành, góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết cũng không đạt được hiệu quả trong các năm sau đó. Năm ngoái, trong khi mảng kinh doanh cốt lõi là dây và cáp vẫn đem lại doanh thu và lợi nhuận cho SAM thì mảng bất động sản và tài chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 Không thể phủ nhận việc tăng vốn qua phát hành thêm là cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh nguồn vốn vay. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa người ủy quyền và người thừa hành trong doanh nghiệp sẽ đặt ra một dấu hỏi lớn về hiệu quả sử dụng vốn huy động khi thiếu sự giám sát của ngân hàng.

 Trong khi đó, lãi suất cho vay đang giảm mạnh và hệ thống ngân hàng đang ra sức khơi thông tín dụng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể vay vốn giá rẻ. Hơn nữa, đối với những doanh nghiệp thực sự tốt, việc vay vốn sẽ đem lại lợi ích “lá chắn thuế”, vì lãi vay được thừa nhận là một loại chi phí hợp lý, dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp hơn, giúp lợi nhuận cho cổ đông tăng cao hơn so với việc không vay vốn

Nguồn: Báo nhịp cầu đầu tư