Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tập trung đầu tư lưới điện

Tập trung đầu tư lưới điện

Sau khi có chủ trương bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện cho ngành Điện quản lý, ngoài việc đáp ứng điện kịp thời cho sản xuất, kinh doanh thì việc bảo đảm an toàn điện lưới cũng cần được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng điện lưới ở một số vùng nông thôn, miền núi Nghệ An đang xuống cấp nghiêm trọng.

Công nhân ngành Điện cùng dân bản mang cột điện lên núi cao

Cần nâng cấp

Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, đến nay, đã tiếp nhận 416/422 xã bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. Tổng giá trị tiếp nhận là hơn 420 tỷ đồng; tổng chiều dài lưới điện hạ áp là hơn 15.000km; trong đó lưới điện hạ áp nông thôn là hơn 11.600km. Riêng đường dây hạ thế khoảng 11.600km nhưng trên thực tế mới chỉ có khoảng 50% chiều dài đường dây đã được thay thế bằng dây bọc. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn đầu tư nên công tác cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp sau bàn giao gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, tại một số địa phương, hệ thống các trạm biến áp hạ thế ở vùng nông thôn, miền núi được đầu tư xây dựng từ hàng chục năm nay nhưng chưa được thay thế, nâng cấp; hệ thống hạ tầng điện lưới còn tạm bợ bằng cột tre, gỗ chống đỡ, có nguy cơ phóng điện rất cao trong mùa mưa. Có nơi vẫn còn tình trạng người dân vô tư xây dựng công trình nhà ở dân sinh dưới đường dây điện, bất chấp quy định an toàn cho phép.

Tại xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu), mặc dù mới chỉ có 4 bản Na Bua, xóm Mới, Tóng 1 và bản Ban có điện lưới kéo về từ năm 2015 nhưng sau một thời gian sử dụng, vào đêm 10/1/2016, tại cột điện số 24 thuộc xóm Mới, do chập điện khiến hàng chục hộ dân có tivi, tủ lạnh, máy giặt… bị cháy, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mặc dù không có thương vong về người nhưng sự cố nói trên đã gây hoang mang trong nhân dân địa phương.

Thiếu kinh phí

Ông Lê Hồng Linh – Giám đốc chi nhánh Điện lực huyện Diễn Châu – cho biết: Từ năm 2009, các xã trên địa bàn đã bàn giao hệ thống điện nông thôn cho ngành Điện quản lý, các HTX dịch vụ điện năng, nông nghiệp trên địa bàn không thực hiện chức năng quản lý riêng như trước kia. Sau khi tiếp nhận, ngành Điện đã đầu tư, tập trung nâng cấp, cải tạo một số trạm biến áp, đường dây hạ thế xuống cấp. Tuy nhiên, “để thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng đường điện hạ áp trên địa bàn vẫn phải trông chờ vào nguồn kinh phí từ cấp trên. Trước mắt, ngành Điện địa phương sẽ cố gắng khắc phục một số điểm xuống cấp nghiêm trọng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân vào mùa mưa bão” – ông Linh cho biết thêm.

Theo Công ty Điện lực Nghệ An, từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp gần 600 trạm biến áp nhưng mới chỉ giải quyết được một số điểm quá tải. Trong những năm qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cải tạo riêng cho lưới điện hạ thế nhưng mới chỉ thực hiện được 1/3 khối lượng tiếp nhận, trong đó đã cải tạo được gần 4.000 km/11.600 km. Hàng năm, công ty vẫn sử dụng nguồn sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên để khắc phục những điểm trọng yếu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. vì vậy, ở nhiều nơi, các tuyến đường dây vẫn nguyên trạng như khi tiếp nhận.

Như vậy, tại một số địa phương, thực trạng hạ tầng điện lưới hạ áp nông thôn hiện nay xuống cấp đang trở thành mối lo ngại rất lớn đối với cuộc sống của người dân. Để bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão đang đến gần, việc thống kê, giám sát và cảnh báo tại các điểm có hạ tầng điện lưới xuống cấp ở các địa phương cần khẩn trương thực hiện, tránh những tai nạn đáng tiếc do điện gây ra.

Thời gian tới, ngành Điện dự kiến sẽ tiến hành đầu tư thêm 1.500 trạm biến áp hạ thế với tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng và nguồn vốn để thực hiện còn phải trông chờ vào Tổng công ty Điện lực miền Bắc phân bổ.

Hoàng Trinh