Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thị trường tài chính tăng lịch sử 6 tháng đầu năm

Thị trường tài chính tăng lịch sử 6 tháng đầu năm

Cả cổ phiếu, trái phiếu cho tới hàng hóa – các thị trường cấu phần của thị trường tài chính thế giới – đã đồng loạt tăng nhanh trong nửa đầu năm 2014, một hiện tượng đã không còn thấy trong hơn 20 năm qua. Nhà đầu tư đang lạc quan và tin tưởng vào việc các ngân hàng trung ương sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

6 sàn giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa của thế giới đều tăng trong 6 tháng đầu năm, lần đầu tiên kể từ năm 1993. Trong đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average đã tăng 1,7%.

Tính đến cuối phiên hôm thứ Sáu, vàng tăng 9,7%, chỉ số Dow Jones UBS Commodity Index tăng 8,1%, trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6,4%, MSCI World Index đo lường cổ phiếu tại các nước phát triển tăng 4,8% và MSCI Emerging Markets Index tăng 4,3%.

Hiện tượng này phản ánh sự phục hồi ngay giữa những dao động về tăng trưởng của Mỹ và những bất ổn kinh tế chính trị ở khu vực Trung Đông, Ukraine và những khu vực khác. Việc tăng đồng loạt ở cả 6 lĩnh vực không hay xảy ra, vì cổ phiếu và hàng hóa thường có xu hướng tăng lên trong bối cảnh tích cực, trong khi trái phiếu và vàng thường tăng khi kinh tế suy yếu và thị trường suy giảm. Lần cuối cùng cả 6 thị trường cùng tăng là vào 30/6/1993.

Nhiều nhà đầu tư tin vào các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cam kết của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giữ lãi suất thấp trong khi các nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau cuộc suy thoái cuối những năm 2000 và cuộc khủng hoàng đồng tiền chung châu Âu năm 2011. Những nhà đầu tư khác lại nói rằng, vì giá trái phiếu và vàng đã tụt giảm mạnh trong năm ngoái, nên những tài sản này tăng lên trong thời gian này.

“Chúng ta hiện đang ở trong giai đoạn kiểu Goldilocks” (ý chỉ giai đoạn kinh tế không tăng quá nóng để gây ra lạm phát, cũng không quá nguội để có thể gây ra suy thoái) nhà quản lý tài sản Jack Flaherty nói. Flaherty hiện đang là giám đốc bộ phận thu nhập cố định tại Mỹ của GAM, công ty đang quản lý 120 tỷ USD tài sản toàn cầu.

Cùng lúc, tăng giá, giảm khối lượng giao dịch và giảm độ biến động đã khiến nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích cảm thấy lo lắng. Chỉ số CBOE Volatility Index đo lường độ biến động đã đạt trung bình 13,8 trong nửa đầu năm 2014, thấp nhất kể từ năm 2007.  Trong năm 2013, chỉ số này đạt trung bình 14,2.

Các nhà hoạch định chính sách bao gồm Chủ tịch Fed Janet Yellen và Chủ tịch Fed New York William Dudley đã cảnh báo rằng, giá cao và độ biến động thấp cho thấy các nhà đầu tư có thể đã quá hài lòng, đã chấp nhận quá nhiều rủi ro để nhận về quá ít lợi nhuận.

“Cho đến nay, đây là một năm khác thường”, Mike Sorrentino, Giám đốc chiến lược của Global Financial Private Capital, công ty đang quản lý 4 tỷ USD tài sản nói. Sorrentino, nói rằng ông đã và đang nắm giữ tiền mặt nhiều hơn bình thường, đang giới hạn việc mua cổ phiếu khi mà cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm nay.

Một vài nhà đầu tư lo lắng rằng, cổ phiếu và trái phiếu ở Mỹ và các thị trường khác có thể đã trở nên đắt sau một thời gian tăng dài. Nhiều nhà đầu tư quay sang cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa toàn cầu để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Lợi ích từ các lĩnh vực cổ phiếu, hàng hóa thiết yếu, cho tới các thị trường mới nổi đã tăng mạnh mẽ trong năm nay, trong khi các thị trường phát triển vẫn lặng lẽ.

Sau cuộc bán tháo hồi tháng 1, các nhà đầu tư đã rót tiền trở lại các tài sản của các thị trường mới nổi, tìm lợi suất cao ở các quốc gia như Brazil và Indonesia. Chỉ số thị trường tiền tệ của MSCI Inc. đã tăng 2,6% trong nửa đầu năm nay. Các thị trường nợ mới nổi thậm chí tăng cao hơn, tăng 8,8% trong năm 2014, theo thống kê của J.P. Morgan Chase & Co.

Không phải tất cả các tài sản của thị trường mới nổi đều tăng. Tiền tệ của Trung Quốc là một phản ví dụ điển hình, đã giảm 2,7% so với đồng USD trong năm nay do sự can thiệp của ngân hàng trung ương hồi tháng 2.

Tuần trước, một cuộc khảo sát gần 1.000 nhà đầu tư toàn cầu do Barclays PLC thực hiện cho thấy, các vấn đề địa chính trị cho đến nay đang là các rủi ro lớn nhất trong mắt các nhà đầu tư.

Hải Linh(Theo báo chí nước ngoài)