Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tỉ giá tăng, xuất khẩu hưởng lợi

Tỉ giá tăng, xuất khẩu hưởng lợi

Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD, áp dụng kể từ ngày 19.6.2014. Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo, quyết định này không khỏi khiến cho một số người thắc mắc. NCĐT đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, xung quanh vấn đề này.

ti-gia-tang-xuat-khau-huong-loi

Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại quyết định điều chỉnh tỉ giá?

 Trong những tháng đầu năm nay, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ vẫn được đảm bảo. Có thể thấy, 5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 1,6 tỉ USD và cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỉ USD. Điều đó đã giúp Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn, tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 35 tỉ USD.

 Trên thực tế, sức cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn đang khả quan (5 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 15,4%). Vì thế, quyết định điều chỉnh tăng tỉ giá thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra.

 Trong điều kiện lạm phát ở mức thấp, việc điều chỉnh tỉ giá lần này không đáng lo ngại đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát do Chính phủ đề ra.

 Ngân hàng Nhà nước dự báo như thế nào về tác động tăng tỉ giá lần này đến diễn biến kinh tế vĩ mô?

 Từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có nhiều diễn biến tích cực. Cụ thể, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm so với cuối năm 2013. Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất đối với kỳ hạn trên 6 tháng, mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng vẫn ổn định và không có sự cạnh tranh lôi kéo người gửi tiền lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng.

 Không chỉ vậy, chính sách tiền tệ cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Bằng chứng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4, tăng 1,08% so với cuối năm 2013 và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Trong bối cảnh CPI được kiểm soát ở mức thấp và tỉ giá đã duy trì ổn định trong gần 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng tỉ giá. Sau khi điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp và công cụ để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới.

 Vậy tác động của đợt điều chỉnh tỉ giá lần này đối với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ như thế nào?

 Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có định hướng điều hành tỉ giá đã được Ngân hàng Nhà nước đề ra và thông báo ngay từ đầu năm. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng đã cân nhắc đến những định hướng này trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.

 Qua theo dõi, trong những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã tăng cường bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Nguồn ngoại tệ mà các tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước không chỉ đến từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân mà còn họ bán âm trạng thái ngoại tệ. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng ngoại tệ lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua được trên 10 tỉ USD.

 Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng, đang có trạng thái ngoại tệ âm trong hệ thống ngân hàng. Việc điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc điều chỉnh tỉ giá sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Nguồn: Báo nhipcaudautu.vn