Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Tính lại “thước đo” GDP

Tính lại “thước đo” GDP

Quy trình tính GDP hiện bộc lộ hạn chế, bất cập về chất lượng số liệu tính đồng bộ, thống nhất trong phương pháp thu thập nguồn thông tin, cách thức tổ chức thực hiện, dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa GDP toàn bộ nền kinh tế và tổng GDP của 63 tỉnh, thành. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch-đầu tư. Tính bất hợp lý thể hiện, địa phương nào cũng đạt GDP 9-10%/năm, thậm chí tăng đến 15%, nhưng GDP cả nước chỉ đạt 5-7%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là các địa phương luôn bị “ám ảnh” bởi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo từng thời kỳ và kế hoạch hàng năm. Song, kế hoạch này không dựa trên cơ sở nguồn lực cộng với phong trào “chạy đua” tăng trưởng cạnh tranh giữa các tỉnh khiến GDP đạt “thành tích” cao một cách phi lý.

Các nước trên thế giới không ai tính GDP của địa phương, chỉ tính chung cho cả quốc gia. Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, cách tính GDP của Việt Nam không giống nước nào trên thế giới, không sát thực. Chúng ta nên chấp nhận tính lại một cách khoa học. Điều này đã được nhiều chuyên gia đặt vấn đề: đối với mỗi quốc gia, GDP chỉ là chỉ tiêu ban đầu vì sau đó còn chỉ tiêu thu nhập quốc dân, thu nhập đầu người tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng của Nhà nước, tích lũy tài sản… Hầu hết các nước khi đặt chỉ tiêu kinh tế thường xoay quanh chỉ tiêu tạo công ăn việc làm và lạm phát, chứ không tập trung vào GDP hay các chỉ tiêu khác. Tạo công ăn việc làm cho người dân luôn là chỉ tiêu kinh tế số một. Theo góp ý của giới chuyên gia, đã đến lúc cần xoay lại trục hoạch định chính sách, nơi nào, lĩnh vực nào tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, tạo ra nhiều phúc lợi cho người dân nhất thì phải được coi trọng. Không ít người mặc nhiên coi GDP bình quân đầu người như là thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó, thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động từ sản xuất không được Tổng cục Thống kê công bố.

Với cách tính của Tổng cục này, nếu GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2013 là 1.960USD, thì thu nhập bình quân từ sản xuất vào khoảng 960USD. Tuy nhiên, việc tính chuyển ra USD nhiều khi chỉ ước lệ vì lạm phát và tỷ giá giữa USD và VND hầu như ít thay đổi. Có thể thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau, bởi trong GDP chỉ có một phần thu nhập thuộc về người dân. Đó là chưa kể, khoảng cách thu nhập giữa 20% người nghèo nhất và 20% người giàu nhất lên tới 10 lần. Rõ ràng cần phải tính lại “thước đo” GDP của nước ta một cách sát thực và trung thực, tránh gây ảo tưởng.

Đan Thanh