Go to Top
Trang chủ > Tin tức > TKV: Những kiến nghị từ thực tiễn

TKV: Những kiến nghị từ thực tiễn

Dù Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên đã rất cố gắng, song do gặp nhiều khó khăn nên kết quả 9 tháng đầu năm không cao và dự kiến cả năm 2016, sản lượng than tiêu thụ trong nước chỉ đạt 34,5 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với kế hoạch; than xuất khẩu chỉ đạt 700 nghìn tấn, giảm 500 nghìn tấn.

 Khai thác, tiêu thụ than ngày càng khó khăn

Quá nhiều khó khăn

Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 của TKV cho thấy, sản lượng than nguyên khai thực hiện chỉ đạt 67% kế hoạch năm, tương đương 26,7 triệu tấn; than tiêu thụ 25,5 triệu tấn, bằng 70,8% kế hoạch, trong đó, tiêu thụ trong nước 25,1 triệu tấn, xuất khẩu 372 nghìn tấn. Trong khi đó, than tồn kho lên tới 10,8 triệu tấn (trong đó có 8,9 triệu tấn than sạch).

Các lĩnh vực chính khác cũng gặp khó, như: Sản xuất, tiêu thụ điện 6,2 tỷ kWh, bằng 67% kế hoạch năm; sản xuất, tiêu thụ thuốc nổ bằng 72% kế hoạch, tương ứng 46.950 tấn; sản xuất đồng tấm, kẽm thỏi, alumin cũng đạt không cao.

Những kết quả đó khiến doanh thu toàn TKV trong 9 tháng qua ước đạt 71.460 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm và bằng 90% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo lãnh đạo TKV, có nhiều nguyên nhân tác động bất lợi đến hoạt động của Tập đoàn, trước hết là do tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 9 tháng, xuất khẩu than chỉ bằng 37% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân trực tiếp là đến cuối tháng 4/2016, Chính phủ mới cho phép xuất khẩu than, nên các khách hàng lớn đã chuyển sang ký hợp đồng mua than của các nước khác.

Trong khi đó, than tiêu thụ trong nước chủ yếu bán cho các nhà máy nhiệt điện, chiếm tới 80% tổng khối lượng than. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, một số nhà máy nhiệt điện lớn (Vũng Áng, Uông Bí…) gặp sự cố phải dừng hoạt động nên không mua than. Hơn nữa, tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện khác (An Kháng, Vũng Áng 1…) không thực hiện đúng theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt cũng như theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng.

Thêm nữa, một số nhà máy xi măng khi xuất khẩu sản phẩm clinke đã thực hiện đối lưu nhập khẩu than từ các khách hàng quốc tế thay vì mua than của TKV.

Ngoài ra, có tình trạng một số hộ tiêu thụ trong nước lưỡng lự trước việc sử dụng than trong nước và than nhập khẩu vì chênh lệch giá khá nhiều. Trong 9 tháng qua, lượng than nhập khẩu về Việt Nam đã tăng 173% so với cùng kỳ năm trước, trên 10,11 triệu tấn.

Một nguyên nhân được TKV cho là hết sức quan trọng là các loại thuế, phí trong giá thành than sản xuất trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2%, thì tổng các loại thuế, phí mà than hầm lò phải chịu tới 12%, than lộ thiên 14%, gây sức ép không nhỏ lên giá than tiêu thụ trong nước, buộc TKV phải giảm sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động và giảm số thu nộp ngân sách nhà nước của ngành than.

Những kiến nghị

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành than, TKV kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các hộ tiêu thụ lớn như EVN, PVN và các nhà máy nhiệt điện chạy than đã ký kết hợp đồng mua than với TKV thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại văn bản 758/BCT-TCNL ngày 22/1/2016 về thực hiện cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong năm 2016.

Đối với than sản xuất trong nước, TKV đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 21/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Đề nghị các nhà máy nhiệt điện tổ chức ký hợp đồng dài hạn và mua than theo hợp đồng phù hợp với Đề án cấp than do Bộ Công Thương ban hành để ngành than chủ động điều hành sản xuất.

Với than nhập khẩu, TKV kiến nghị cần xem xét, sắp xếp giảm đầu mối nhập khẩu than, đồng thời có chính sách thuế, phí phù hợp để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa than trong nước và than nhập khẩu.

Về chính sách thuế, phí, TKV đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết đối với các loại thuế, phí thuộc thẩm quyền và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên trong khung thuế suất đã được Quốc hội ban hành, cụ thể, với than hầm lò từ 4- 20% và than lộ thiên từ 6- 20%.

Với tiền cấp quyền khai thác, TKV kiến nghị không thu riêng mà tính chung trong thuế tài nguyên. Trong trường hợp chưa điều chỉnh theo hướng này thì chỉ thu tiền cấp quyền khai thác khi dự án đã đi vào khai thác (có sản lượng than) và nộp theo sản lượng than khai thác hàng năm.

Theo tính toán của TKV, năm 2016, dự kiến sản lượng than nguyên khai đạt 34,5 triệu tấn; than thành phẩm đạt 32,7 triệu tấn, giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2015; tổng doanh thu đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, bằng 95% năm 2015, trong đó doanh thu từ sản xuất than khoảng 48,5 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2015.

Hoàng Châu