Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Vì sao vàng đen không còn đáng giá hơn vàng?

Vì sao vàng đen không còn đáng giá hơn vàng?

Giá dầu giảm là triệu chứng của hoạt động kinh tế đang trì trệ và không khuyến khích thế giới giảm tiêu thụ xăng dầu  –  một thói quen mà con người phải tập nếu còn nghĩ đến thế hệ tương lai. “Vàng đen” hạ giá cũng không kích thích các Chính phủ đầu tư để tìm kiếm các nguồn năng lượng rẻ hơn và thân thiện với môi trường.

Saudi Arabia, Mỹ bị cáo buộc thao túng giá dầu để gây sức ép chính trị với Nga và Iran.

Nguyên nhân của hiện tượng trên bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế, địa chính trị, đồng thời cũng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho một số quốc gia như Nga, vốn gặp khá nhiều khó khăn do bị phương Tây trừng phạt, hay Venezuela đang rơi vào suy thoái. Dầu mỏ cũng là nguyên nhân đẩy Libya rơi vào nội chiến.

Về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, cũng giống mọi thị trường khác, thị trường dầu mỏ cũng tuân theo quy luật cung-cầu. Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc giảm khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang giảm tốc, trong khi kinh tế châu Âu có vẻ không thể bật lên được, thậm chí Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đứng bên bờ vực của đợt suy thoái lần thứ ba.

Trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, chỉ có Mỹ và Anh duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Tuy vậy, sự giảm tốc không chỉ xảy ra đối với kinh tế Trung Quốc mà còn cả khá nhiều nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ và Brazil.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhất là tại Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, đã góp phần làm hạn chế nhu cầu về dầu mỏ. Sản lượng dầu tại Libya và Iraq cũng có dấu hiệu dư thừa, bất chấp tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, với sự bùng nổ của dầu đá phiến, Mỹ không còn cần phải nhập khẩu dầu. Từ tháng 10-2014, Mỹ đã soán ngôi của cả Saudi Arabia lẫn Nga để trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất. Với danh nghĩa tự chủ về năng lượng, Mỹ đã sản xuất dầu từ đá phiến nhiều đến mức hiện có thể xuất khẩu. Giá dầu rẻ thì môi trường sinh thái sẽ bị lãng quên vì con người vẫn tiếp tục tiêu thụ loại năng lượng thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính và gây biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang dùng các loại năng lượng tái tạo cũng sẽ gặp trở ngại.

Tuy nhiên, sự giảm sút bất thường của giá dầu không thể chỉ được giải thích bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu thấp. Saudi Arabia hạ giá bán dầu để tăng ảnh hưởng của họ đối chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc hạ giá bán dầu thô có tính toán của Saudi Arabia được xem như một cuộc chiến bằng “vũ khí vàng đen” đối với các nước.

Một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cáo buộc Saudi Arabia thao túng giá dầu, cho dù có hay không sự đồng ý của Mỹ. Ở các mức độ khác nhau, nguồn thu từ dầu mỏ ở nhiều quốc gia sẽ bị giảm sút do giá dầu “tụt dốc” khi mà Saudi Arabia -nước chiếm 1/3 sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)- đủ dự trữ để hỗ trợ mức giá bán thấp trong nhiều tháng hay nhiều năm.

Như vậy, các đối thủ của Saudi Arabia như Iran, Nga và Venezuela sẽ là những nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi tình trạng giá dầu sụt giảm liên tục, xuống dưới ngưỡng 90 USD/thùng. Trên tờ “New York Times”, chuyên gia về Trung Đông Thomas Friedman nhận định rằng việc giảm giá dầu là nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược của Mỹ và Saudi Arabia.

Ông nghi ngờ chính sách này là một cuộc chiến chống lại Moskva (và cả Tehran) nhằm hủy diệt nền kinh tế Nga. Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm hơn 50% nguồn thu của Nga (và khoảng 60% nguồn thu của Chính phủ Iran). Ngoài ra, Saudi Arabia có thể sử dụng chiến lược này để làm chậm lại hoặc thậm chí ngừng việc nới lỏng cấm vận của Mỹ đối với Iran và gây áp lực với Washington để cho phép thay đổi chế độ ở Syria.

Huyền Lan