Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Việt Nam cần gần 100 tỉ đô la Mỹ cho đầu tư công

Việt Nam cần gần 100 tỉ đô la Mỹ cho đầu tư công

Việt Nam sẽ cần một lượng vốn lớn đến 2 triệu tỉ đồng, tức gần 100 tỉ đô la Mỹ, để chi tiêu đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn. Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Nhu cầu vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Ảnh: TL

Bản kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ công bố hôm nay, 29-9, về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho biết, cả nước cần tới 2 triệu tỉ đồng cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đây là số vốn rất lớn trong bối cảnh  ngân sách nhà nước đang rất khó khăn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách đạt 665.200 tỉ đồng, bằng 65,6% dự toán năm; còn tổng chi ngân sách ước tính đạt 819.400 tỉ đồng, bằng 64,4% dự toán năm. Như vậy, mức bội chi ngân sách đã lên tới 154.600 tỉ đồng sau 9 tháng năm 2016.

Đặc biệt, ngân sách dùng để chi trả nợ và viện trợ lên đến 109.800 tỉ đồng, bằng 70,8% so với kế hoạch.

Mặc dù vậy, số tiền giải ngân cho xây dựng rất thấp, theo Tổng cục Thống kê. Tính đến ngày 15-9, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước tính đạt 51% dự toán năm, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40% dự toán được giao.

Thông báo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm nay yêu cầu điều chuyển, cơ cấu lại các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 như: vốn nước ngoài, tiền thu từ xổ số kiến thiết của các địa phương để đưa vào cân đối ngân sách theo đúng quy định để giảm phần hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương cho địa phương.

Ông Huệ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính về số bội chi ngân sách địa phương; số vốn tăng thêm dành cho đầu tư công (nếu còn nguồn); việc sử dụng nguồn xổ số kiến thiết giai đoạn 2017-2020 cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực cấp thiết khác của địa phương.

Phó thủ tướng yêu cầu rà soát lại các nguyên tắc, tiêu chí và xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trong phạm vi tổng mức đầu tư nêu trên; cắt giảm các công trình, dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn để tập trung bố trí vốn cho một số dự án lớn, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường tuần tra biên giới (phía giáp Tây Nam); chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…

Ông Huệ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo, đề xuất phương án sử dụng khoản tiền 10.000 tỉ đồng từ nguồn thu bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng để bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2017.

Trong vài năm nay, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển trong ngân sách ngày càng teo lại do phần lớn là chi thường xuyên và trả nợ. Tỷ lệ chi thường xuyên lên tới khoảng 72% ngân sách nhà nước, và phần lớn còn lại dùng để trả nợ.

Trần Việt