Go to Top
Trang chủ > Tin tức > WB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam

WB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng mức tăng trưởng kinh tế dự báo cho Việt Nam thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2015, lần lượt lên mức 6% cho năm 2015 và 6,2% cho năm 2016 và cho năm 2017 là 6,5% (so với mức dự báo 6% trước đó).

Báo cáo cho hay, các nước đang phát triển phải đối mặt với một loạt các thách thức nghiêm trọng trong năm 2015. Chẳng hạn như chi phí vốn vay có khả năng sẽ tăng trong khi giá dầu và giá hàng hóa sắp bước vào một đợt suy giảm mới khiến cho năm nay trở thành năm thứ tư liên tiếp đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế.

WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển trong năm nay, từ 4,8% như dự báo đưa ra vào tháng 1/2015 xuống còn 4,4%. WB cũng giảm mức dự báo cho năm 2016, từ 5,3% xuống còn 5,2%, và giữ nguyên mức dự báo 5,4%  cho năm 2017.

Tuy nhiên, WB lại nâng mức tăng trưởng kinh tế dự báo cho Việt Nam thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2015, lần lượt lên mức 6% cho năm 2015 và 6,2% cho năm 2016, và cho năm 2017 là 6,5% (so với mức dự báo 6% trước đó). Theo WB, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan nhờ sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, với hầu hết các nước khác, WB chủ yếu giữ nguyên hoặc hạ mức dự báo, chẳng hạn như Trung Quốc (giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, còn 6,9%, 6,9% và 6,8% cho các năm 2015, 2016 và 2017).

Tại Indonesia, tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống 4,7% năm 2015 (dự báo trước đó là 5,2%), sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu. Tại Thái Lan, GDP dự tính sẽ tăng 3,5% năm 2015 (giữ nguyên so với dự báo trước đó), trong đó xuất khẩu tăng nhẹ. Còn Malaysia tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 4,7% năm 2015 do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí trong khi đó tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm.

Trước đó, tại buổi họp báo công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tổ chức ngày 13/4, WB khẳng định rằng sau một số khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng. Đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra hàng loạt các thách thức của Việt Nam như: Sự suy yếu của giá cả mặt hàng gạo và các nông sản khác trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình nông thôn, làm nới rộng khoảng cách thành thị-nông thôn.

Ngoài ra, giá dầu giảm cũng có thể gia tăng áp lực đối với thu ngân sách. Đầu tư tư nhân trong nước vẫn còn dè dặt bởi niềm tin của doanh nghiệp còn thấp.

Ở phương diện kinh tế đối ngoại, tăng trưởng toàn cầu vẫn ì ạch và còn nhiều bất trắc. Điều này tạo ra những rủi ro đối với xuất khẩu và dòng FDI chảy vào Việt Nam.

Dù vậy, WB cũng nhấn mạnh rằng, yếu tố thuận lợi là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra những thị trường bên ngoài rộng lớn hơn và giàu có hơn. Những cải cách trong nước, bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng và DNNN với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn, sẽ phát những tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai./.

Quỳnh Anh