Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Đồng nhân dân tệ tác động tới châu Âu và Nhật Bản

Đồng nhân dân tệ tác động tới châu Âu và Nhật Bản

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu và Nhật Bản bỗng dưng rơi vào trạng thái như đang “ngồi trên lửa” sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ (NDT) trong 3 ngày liên tiếp.

Đồng nhân dân tệ bị phá giá tác động lớn đến kinh tế châu Âu và Nhật Bản.

Trong khi kinh tế Mỹ được cho là phòng vệ một cách hiệu quả trước những tác động trực tiếp của việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, thì Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản lại không được như vậy. Cả hai nền kinh tế này đều đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và gián tiếp đẩy đồng nội tệ xuống mức thấp hơn nhằm tạo động lực cho các nhà xuất khẩu trong nước vốn có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc. Sự xuống giá mạnh của đồng NDT, cộng thêm chiều hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã trở thành tác nhân kép gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực xuất khẩu của Eurozone và Nhật Bản.

Ngay sau khi Trung Quốc phá giá NDT, đồng euro mạnh lên so với đồng USD do giới đầu tư kiếm lời thông qua việc vay bằng đồng euro nhân lúc lãi suất tại khu vực này ở mức thấp, để sau đó dùng đồng tiền chung châu Âu mua vào đồng tiền của các nước có lãi suất cao hơn. Đặc biệt, động thái thay đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Eurozone còn nhiều bất ổn. Bất chấp giá dầu thô ở mức thấp và ECB vẫn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đà tăng trưởng kinh tế của khu vực này hiện còn khá mong manh. Các số liệu công bố mới đây cũng cho thấy tình hình tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đáng thất vọng của các nền kinh tế đầu tàu như Đức, Pháp và Italy, trong khi tỷ lệ lạm phát của Eurozone ở mức rất thấp.

Để đối phó với tình hình này, các nhà chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Barclays (Anh) cho rằng động thái phá giá đồng NDT đang làm gia tăng khả năng ECB phải kéo dài thời gian thực hiện chương trình Nới lỏng định lượng (QE) dự kiến có thể kết thúc vào tháng 9-2016. Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) cũng đồng tình rằng tình hình lạm phát yếu kém trong khu vực cũng có thể là động lực thúc đẩy liên minh tiền tệ này thảo luận việc gia hạn chương trình QE.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết họ có thể đưa ra cân nhắc tương tự. Bản thân việc kinh tế Nhật Bản giảm 1,6% trong quý II-2015 cũng đã tác động tới chiến lược phục hồi kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe – thường được biết đến với tên gọi là “Abenomics” – được triển khai trong hai năm rưỡi qua.  Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giá dầu ở mức thấp và sự xuống giá của các đồng nội tệ của các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc đã kéo giá hàng hóa nhập khẩu đi xuống, cùng lúc gây sức ép lên Nhật Bản. Trong khi đó, có vẻ như BOJ ngày càng muốn duy trì một đồng yen yếu, có lợi cho lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản.

Vào thời điểm hiện nay, các nhà phân tích cho rằng tác động trực tiếp trước mắt đối với kinh tế Nhật Bản sẽ ở mức hạn chế, do xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc có xu hướng tập trung vào lĩnh vực hàng công nghệ cao vốn có mức độ giao động về giá tương đối thấp. Tuy nhiên sự thay đổi chính sách tỷ giá của PBoC phản ánh tốt hơn điều kiện cung-cầu trên thị trường, nên khả năng giá đồng NDT tiếp tục đi xuống cũng có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đối với kinh tế Nhật Bản.

Tại châu Âu và Nhật Bản, các nhà kinh tế sẽ tiếp tục đương đầu với những vấn đề nảy sinh từ sau quyết định của PBoC để thị trường can thiệp nhiều hơn vào việc xác định tỷ giá đồng NDT. Liệu rằng sự thay đổi này có thể được coi là một phần trong chương trình cải cách cơ cấu của Chính phủ Trung Quốc hay chính là sự thừa nhận ngầm rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhanh hơn mức mà nước này dự báo trước đó? Trong khi đó, giới phân tích tiền tệ ví von rằng nhiệt độ trong “chảo” đang gia tăng và chẳng còn lâu nữa các nhà hoạch định chính sách của châu Âu và Nhật Bản sẽ bắt đầu “nhảy” ra ngoài.

Đặng Ánh