Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Hiệp định TPP: Hưởng lợi không đơn giản

Hiệp định TPP: Hưởng lợi không đơn giản

Theo ông Bùi Việt Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty may Sông Hồng, khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, cơ hội của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất và năng lực nhỏ bé hiện nay, các doanh nghiệp muốn hấp thu được lợi ích này cũng không phải điều dễ dàng.

Doanh nghiệp Việt gặp khó khi vào TPP

Trong những ngày gần đây, khi vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, dư luận Việt Nam dường như đang kỳ vọng quá nhiều vào những triển vọng mà TPP có thể mang lại, bởi đó là cơ hội vô cùng to lớn cho chúng ta tham gia chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng trên toàn cầu, với những quốc gia giàu có và những tập đoàn hùng mạnh nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Việt Quang – Phó Tổng giám đốc Công ty may Sông Hồng cho rằng, thực chất vấn đề không phải đơn giản như vậy.

Theo lý giải của ông Quang, rất nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó trong việc làm quen, tiếp cận và tham gia chuỗi sản xuất – cung ứng hàng hóa toàn cầu, khi bản thân không được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về thị trường, khách hàng, khả năng ngoại ngữ, cũng như nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh quốc tế.

Bên cạnh đó, việc tham gia TPP đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ và chất lượng hàng hóa, trong khi hầu hết các công ty Việt Nam từ lâu lại quen với việc sử dụng và bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua các sản phẩm, công cụ chính hãng.

Ông Quang cũng cho biết thêm, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là khả năng cạnh tranh trên lĩnh vực chất lượng, giá thành và sự đa dạng về mẫu mã của sản phẩm, cũng khả năng thích ứng với những biến động nhanh chóng của khách hàng và thị trường.

“Trong khi đa số các nhà máy may hiện chỉ tập trung làm hàng gia công, trông chờ vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, không có khả năng xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, phát triển theo các quy mô manh mún, không có khả năng cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài thì câu hỏi đặt ra là, cơ hội lớn như vậy, nhưng các doanh nghiệp dệt may có thể tận dụng để phát triển vượt bậc được không? Và không khó để nhận thấy rằng, với cơ sở vật chất, năng lực nhỏ bé và “còi cọc” của mình, các doanh nghiệp Việt Nam muốn hấp thu được những cơ hội do TPP mang lại không phải điều dễ dàng”, Phó Tổng giám đốc Công ty may Sông Hồng đặt câu hỏi và trả lời.

Cũng hoạt động trong lĩnh vực dệt may, ông Phạm Xuân Trình – Tổng giám đốc -Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho biết, dệt may nằm trong hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu do thị trường và người mua chi phối. Trong chuỗi giá trị đó khâu tạo ra giá trị lợi nhuận cao nằm trong khâu nghiên cứu và phát triển nguyên liệu, thiết kế, marketing và chiến lược kết nối các nhà sản xuất trên phạm vi toàn cầu và bán các sản phẩm các thị trường tiêu dùng chính.

Cũng theo ông Trình, sau khi Việt Nam ký Hiệp định TPP sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng riêng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để gia tăng giá trị, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Và họ cũng hình thành nên các chuỗi cung ứng tại Việt Nam để hưởng lợi về xuất xứ hàng hóa và thuế quan.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho biết, doanh nghiệp phải đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ hàng hóa. Theo đó, để tham gia vào thị trường này buộc tất cả các nước trong khối muốn xuất khẩu, phải có nguồn gốc hàng hóa tại đất nước xuất khẩu, nghĩa là muốn được ưa đãi về thuế sản phẩm phải được sản xuất tại các nước xuất khẩu từ sợi – dệt – nhuộm – may hoàn tất.

Chỉ nên tăng lương cơ bản ở mức 5 – 6%?

Cũng liên quan đến sức cạnh tranh trong sân chơi TPP, một vấn đề đã được doanh nghiệp đưa ra đó là chi phí tiền lương.

Theo ông Bùi Việt Quang, các doanh nghiệp, để tuyển dụng và giữ chân công nhân, thường phải trả trung bình gấp đôi mức lương tối thiểu, nhưng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn có đề nghị phải tăng. Hậu quả là, các doanh nghiệp Việt Nam bị gia tăng chi phí sản xuất một cách nhanh chóng, hoặc giá thành bị đội lên và mất đơn hàng, giảm sút lợi nhuận, qua đó không có khả năng tập trung tái đầu tư để phát triển mở rộng sản xuất và kinh doanh, bở lỡ những cơ hội lớn mà TPP sẽ mang lại.

Ông Quang chia sẻ, nếu xét về khía cạnh các nhà đầu tư hay các tập đoàn nước ngoài, trước khi ra quyết định đầu tư vào một quốc gia họ thường xem xét đến khả năng cạnh tranh của quốc gia đó, trong đó yếu tố chi phí đầu vào là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì vậy nếu Việt Nam có chi phí cao hơn, thì việc làm mất cơ hội đầu tư và lợi thế cạnh tranh là điều dễ hiểu.

Trước phân tích trên, Phó Tổng giám đốc Công ty may Sông Hồng đã kiến nghị Nhà nước nên tăng lương tối thiểu ở mức 5 – 6%. Cùng với đó, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội vì mức hiện nay là quá lớn trong chi phí của doanh nghiệp.

Đưa ra kiến nghị của mình, Tổng giám đốc -Tổng công ty cổ phần Phong Phú cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần hộ trợ doanh nghiệp về vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho ngành dệt nhuộm, bởi đây là ngành cần vốn đầu tư lớn. Cùng với đó, các tỉnh thành có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp dệt nhuộm đầu tư đảm bảo môi trường, thay vì kêu gọi đầu tư nước ngoài…

Yến Nhi