Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Huy động tối đa các nguồn lực để đạt mức tăng trưởng cao

Huy động tối đa các nguồn lực để đạt mức tăng trưởng cao

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý II/2016. Báo cáo đã cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2016. Đồng thời, đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô quý III và kiến nghị một số định hướng về tiếp tục đổi mới, cải cách nền tảng kinh tế vi mô và điều hành kinh tế vĩ mô trong quý III và 6 tháng cuối năm 2016.

          

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho hay, quý II chứng kiến bước chuyển giao đầu tiên của bộ máy Chính phủ, bước đầu Chính phủ đã đưa ra một loạt các thông điệp, với tư tưởng tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn; khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân được tái khẳng định qua cách thức, hành động xử lý nhanh chóng những vụ việc cụ thể. Những chuyển biến này “đánh trúng” kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư trong bối cảnh đà cải cách môi trường kinh doanh được đẩy mạnh từ năm 2014…. Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng kinh tế chưa lấy lại được đà phục hồi GDP tăng 5,57% so với cùng kỳ 2015; việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7%, tương đương kết quả cả năm 2015 hầu như không khả thi.

Kết quả dự báo trong báo cáo cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%; tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 6,8%. Nhập siêu ở mức 0,4 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 1,31%…

Liên quan đến khả năng thực hiện một số mục tiêu kinh tế của năm 2016, báo cáo nhận định các mục tiêu tỷ trọng đầu tư trên GDP là 31% và nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu dưới 5% là cao trong khi tăng trưởng xuất khẩu 10%, lạm phát dưới 5% là trung bình và khả năng đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% là thấp.

Thảo luận về nội dung báo cáo các đại biểu có mặt tại hội thảo có chung nhận định bộ máy Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào công tác điều hành kinh tế – xã hội, gắn với thúc đẩy cải cách nền tảng kinh tế. Không khó để nhận diện những chuyển động chính sách. Việc các kết quả kinh tế xã hội trong quý II không đạt được như kỳ vọng không làm mờ những nỗ lực của Chính phủ. Thực tế quý II chứng kiến những khó khăn, biến động không nhỏ.

Một số đại biểu nêu ý kiến bản thân những kết quả tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tốt so với không ít các quốc gia trong khu vực. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Thay vào đó, Chính phủ cần kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Để đạt được mục tiêu tăng GDP 6,7% trong năm nay, theo TS. Nguyễn Quang Thái, không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần phải huy động tối đa các nguồn lực để đạt mục tiêu cao hơn. Chúng ta cần tạo môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất giá trị sản phẩm… một cách hài hòa để kinh tế tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có nghiên cứu kế hoạch và chương trình cải cách đồng bộ cơ bản với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách cải cách kinh tế. Ông đề xuất, CIEM cần báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng sớm Đề án ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, chủ động đưa ra các chương trình sơ bộ, nêu lên những vấn đề cụ thể nhằm đánh giá những khó khăn, tồn tại hiện nay.

Quang Lộc