Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kinh tế Eurozone đối mặt nhiều thách thức lớn

Kinh tế Eurozone đối mặt nhiều thách thức lớn

Vừa qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã khởi động gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm tạo “đòn bẩy” tăng trưởng cho Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Thế nhưng, biện pháp “nới hầu bao” của ECB vấp phải không ít hoài nghi về tính hiệu quả. Trước mắt, đồng ơ-rô rớt giá mạnh cho thấy, con đường phục hồi tăng trưởng kinh tế của Eurozone còn không ít gian nan.

Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của Eurozone.

Ngày 11-3 vừa qua, đồng ơ-rô giảm giá xuống còn 1,0599 USD và là mức sụt giá mạnh nhất trong suốt 12 năm qua so “đồng bạc xanh” của Mỹ. Sự sụt giảm kỷ lục này diễn ra ngay sau khi ECB triển khai gói QE trị giá tới 1.100 tỷ ơ-rô, như một biện pháp đưa nền kinh tế Eurozone thoát khỏi “bóng ma” giảm phát. Xét về bản chất, tung ra gói kích thích kinh tế cũng đồng nghĩa ECB phải in thêm tiền để mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán, và hoạt động này sẽ khiến giá đồng ơ-rô khó lòng được vực dậy trong thời gian sắp tới. Các chuyên gia nhận định, sự xuống dốc không phanh của giá đồng ơ-rô đang là “quả bom nổ chậm”, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Trước những biến động trên thị trường ngoại hối, thành viên Hội đồng quản trị ECB B.Cơ vẫn lạc quan cho biết, ECB đang đi đúng hướng nhằm đạt mục tiêu “bơm” 60 tỷ ơ-rô/tháng vào các nền kinh tế khu vực, đồng thời nhận định, sự mất giá của đồng ơ-rô so đồng USD thời gian gần đây chỉ “mang tính tạm thời”. Trái với đại diện ECB, nhiều nhà kinh tế và chính trị gia châu Âu lại tỏ ra “nửa tin nửa ngờ” về hiệu quả của gói kích thích kinh tế. Ngân hàng trung ương Đức từng cảnh báo, biện pháp trên sẽ khiến các nước chi tiêu thiếu kiểm soát và chểnh mảng hơn trong việc cải cách kinh tế. Sở dĩ Đức tỏ ra không đồng tình là bởi, theo điều khoản gói kích cầu, ECB sẽ cùng ngân hàng các nước thành viên mua trái phiếu chính phủ của các nước tùy theo tiềm lực vốn. Và các nền kinh tế lớn như Đức sẽ phải mua nợ nhiều hơn so các nước thành viên có quy mô kinh tế nhỏ hơn. Nhà hoạch định chính sách ECB A.Ô-pha-nít cho biết, đây có thể sẽ là “con dao hai lưỡi” vì những rủi ro được chuyển sang cho các ngân hàng trung ương. Hiện tại, chỉ 20% số trái phiếu được mua là thuộc trách nhiệm của ECB; và phần lớn những thiệt hại khi một thành viên ở Eurozone vỡ nợ sẽ do chính ngân hàng nước đó gánh chịu. Một vấn đề nữa mà các nhà phân tích đặt ra, đó là biện pháp bơm tiền của ECB đang trong tình trạng “một cây làm chẳng nên non”. Bên cạnh nguồn tiền, hoạt động vay vốn và chi tiêu của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như triển vọng lợi nhuận hay sự tin tưởng của người tiêu dùng. Bởi vậy, việc cung cấp vốn vay không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề chi tiêu của doanh nghiệp mà còn phải kết hợp thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao…

Hiện tại, nền kinh tế Eurozone đang đối mặt nhiều thách thức lớn. Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), mức tăng trưởng của Eurozone sẽ đạt 1,3% năm 2015 thay vì 1,1% như dự báo trước đó, nhưng lại thấp hơn nhiều so mức tăng bình quân được dự báo khoảng 3%-3,5% của kinh tế toàn cầu. “Điểm sáng” hiếm hoi trên tổng thể bức tranh kinh tế khu vực chính là đà giảm của giá tiêu dùng trong tháng 2-2015 đã chậm lại đáng kể, chỉ giảm 0,3%, thấp hơn nhiều so mức giảm 0,6% trong tháng 1, song sự cải thiện này chưa đủ để xua tan nguy cơ giảm phát. Bên cạnh đó, ý định từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp – “mắt xích yếu” trong Eurozone, đang đặt ra những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách khu vực. Quyết định gia hạn thêm bốn tháng đối với gói cứu trợ dành cho Hy Lạp mới đây dù khiến khả năng rời “ngôi nhà chung” của A-ten có phần lắng xuống, song nguy cơ tan vỡ của Eurozone chưa thật sự được loại trừ.

Các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… mới đây đều kêu gọi liên minh tiền tệ gồm 19 thành viên tiếp tục cải cách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quyết liệt hơn. Rõ ràng, để vực kinh tế Eurozone ra khỏi tình trạng ốm yếu, lãnh đạo các nước trong khu vực không thể chỉ trông chờ vào biện pháp kích cầu của ECB mà còn phải quan tâm thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách, linh hoạt hóa thị trường lao động…

MINH HẰNG