Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ngân hàng đẩy mạnh cho vay SME

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay SME

Phân khúc SME đang hấp dẫn 1 số ngân hàng, tiêu biểu là VPBank và ABBank.

 ngan-hang-day-manh-cho-vay-sme

Đầu tháng 11 vừa qua, ông Fung Kai Jin, Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank, đã được cất nhắc lên vị trí Phó Tổng Giám đốc (ông đồng thời kiêm nhiệm 2 chức vụ). Điều này là có lý do. Kể từ khi về nhậm chức ở VPBank vào tháng 7.2012, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, đã thực hiện nhiều thay đổi ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Trong đó, có vấn đề nhân sự cấp cao và ông Fung Kai Jin là một gương mặt trong dàn nhân sự chủ chốt này.

Tập trung vào SME

 

Hồi tháng 7.2011, VPBank cho ra mắt Khối khách hàng cá nhân và SME. Sau 3 tháng về tiếp quản VPBank, ông Vinh quyết định tách riêng 2 khối này. Từ đó, VPBank coi đây là một phân khúc chiến lược trong lộ trình 5 năm tăng trưởng tiếp theo của Ngân hàng. “Định hướng này được cụ thể hóa bằng việc thành lập một khối kinh doanh chuyên trách phục vụ doanh nghiệp SME cùng với sự đầu tư đáng kể về con người, sản phẩm, hệ thống và kênh bán hàng”, ông Fung Kai Jin cho biết.

VPBank từ chối cho biết cụ thể, nhưng theo số liệu do NCĐT tổng hợp từ báo cáo thường niên của VPBank, phân khúc SME đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay năm 2012 và 2013 lần lượt là 22% và 40%. Tại VPBank, dư nợ cho vay SME chiếm đến 94% dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vào cuối năm 2013. Nếu so với tổng dư nợ (cho vay cá nhân lẫn doanh nghiệp), cho vay SME chiếm tới 42%.

Cách thức tiếp cận khách hàng trong phân khúc này của VPBank cũng giống như hoạt động bán lẻ: liên tục mở các trung tâm phục vụ riêng khách hàng SME. Từ 5 trung tâm vào cuối năm 2012, đến nay đã có 64 trung tâm đi vào hoạt động.

Không chỉ VPBank, nhiều ngân hàng cũng có chiến lược dành riêng cho SME như ABBank, OCB, Ngân hàng Bản Việt. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt, tỉ trọng cho vay SME ở ngân hàng này là 30% tổng dư nợ (cuối năm 2013) và vẫn đang tăng lên, trong khi ngân hàng ABBank cho biết 95% lượng khách hàng doanh nghiệp là SME.

“Nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng có xu hướng tập trung nhiều vào SME hơn là các doanh nghiệp lớn là vì mức độ cho vay SME khá ổn định, giảm rủi ro các khoản vay, quay vòng vốn nhanh”, ông Nam cho biết.

Một lý do nữa là hệ số ROA (lợi nhuận/tài sản) của dịch vụ ngân hàng SME cao hơn so với các hoạt động khác của ngân hàng, theo cuộc khảo sát tiêu chuẩn so sánh của Tổ chức tài chính Quốc tế – IFC (năm 2007). Còn ông Fung Kai Jin, VPBank, thì cho rằng: “Các doanh nghiệp SME có thể rủi ro hơn nhưng sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho ngân hàng”.

Chỉ bước một chân

 

Có một điểm chung là các ngân hàng chỉ mới thực hiện cho vay nhiều vào mảng SME trong 2 năm trở lại đây. ABBank vào năm 2012 mới thành lập trung tâm SME, tương tự như VPBank. Còn ở OCB, 2013 là năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi mô hình một cách chính thức. Đặc biệt kể từ năm 2013, SME càng xuất hiện thường xuyên hơn trong các gói cho vay ưu đãi của ngân hàng, khi nằm trong 5 nhóm đối tượng ưu đãi tín dụng theo chủ trương của Chính phủ nhằm kích thích sản xuất.

Dù rằng nhiều ngân hàng đã nâng cao tỉ trọng cho vay SME nhưng xét cả hệ thống, tỉ trọng cho vay SME đang ngày càng giảm. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ trọng cho vay SME tính đến cuối tháng 9.2014 ở mức 24% và tiếp tục xu hướng giảm (con số này cuối quý II/2014 là 25%).

Mặt khác, số liệu về thị trường ngân hàng tài trợ SME ở Việt Nam không được công bố đại chúng. Hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu hướng đến SME nhưng rất ít đưa vào báo cáo thường niên. Ngay cả VPBank trong báo cáo thường niên gần đây cũng không đề cập đến.

Việc các ngân hàng chưa mạnh dạn công bố có lẽ vì chưa hoàn toàn dấn thân vào phân khúc SME, vốn còn mới mẻ và đầy trở ngại ở Việt Nam. Một nghi ngại nằm ở chỗ hoạt động SME rất rủi ro. “Điều này cũng là dễ hiểu vì khả năng trả nợ của doanh nghiệp SME thấp hơn một doanh nghiệp lớn do hạn chế về tài chính”, cũng theo chia sẻ của ông Fung.

Khi được hỏi về tỉ lệ nợ xấu trong phân khúc SME của Ngân hàng Bản Việt, ông Nam cho biết khoảng dưới 1% vào cuối năm 2013. Còn ông Fung Kai Jin, VPBank, thì cho biết: “Hiện còn sớm để thông báo tỉ lệ nợ xấu của phân khúc SME do danh mục cho vay của chúng tôi vẫn còn mới và vẫn chưa trải qua hết một chu kỳ tín dụng đầy đủ”.

Các ngân hàng còn có một nỗi trăn trở khác khi cho vay SME. Vì rủi ro cao, ngân hàng có xu hướng cho vay lãi suất cao để bù đắp rủi ro. Nhưng điều này là không thể, đặc biệt khi SME là đối tượng được ưu đãi tín dụng.

Vì thế, dòng vốn tài trợ cho SME thường đến từ bên ngoài với đặc trưng là giá rẻ hơn. Chẳng hạn như gói cho vay SMEFP III của ABBank hay OCB gần đây là dựa vào dòng vốn do IFC cung cấp. Sacombank, Techcombank, VietinBank và nhiều ngân hàng khác cũng lấy vốn từ các tổ chức như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Cơ quan Hợp tác Phát triển Nhật Bản (JICA) để tài trợ cho vay SME.

Ở Nhật, trong suốt thời kỳ tăng trưởng cao của nền kinh tế, chính quyền nước này thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho SME, trong đó đáng chú ý là việc thành lập ngân hàng tư nhân chuyên môn hóa trong việc tài trợ cho SME, hỗ trợ xã hội từ tổ chức chính phủ và các định chế bảo lãnh tín dụng. Báo cáo tổng kết hội thảo giữa Ngân hàng Trung ương Nhật, IFC và Ngân hàng Thế giới năm 2012 cũng rút ra một bài học quan trọng: vai trò của chính phủ là then chốt trong việc hỗ trợ SME.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các ngân hàng tư nhân vẫn đang vất vả vì các quy chế hỗ trợ chưa hoạt động một cách hiệu quả. Theo ông Fung Kai Jin, VPBank, để cải thiện hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng ở Việt Nam, quy trình tài trợ tổng thể nên được rà soát lại theo hướng đơn giản hóa. “VPBank ủng hộ các cơ chế giúp nhiều doanh nghiệp SME tiếp cận được vốn vay như quỹ bảo lãnh vốn cho SME. Cơ chế này sẽ giúp các ngân hàng mở rộng cho vay đến các doanh nghiệp SME nhỏ hơn đang gặp trở ngại trong việc vay ngân hàng”, ông nói.