Go to Top
Trang chủ > Tin tức > 7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Theo Thống kê Hà Nôi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2013 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 6,68% so cùng kỳ. Có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so tháng trước.
.

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Từ 2015: Vợ sinh con, chồng sẽ được nghỉ

Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã công bố toàn văn dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra vào ngày 20/9 vừa qua để lấy ý kiến nhân dân.

Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là quy định lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản năm ngày làm việc kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con. Nếu người vợ sinh con phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản bảy ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Cũng theo dự thảo, trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ lẽ ra được hưởng (quy định hiện hành chỉ cho hưởng chế độ thai sản chứ không được nghỉ việc). Trường hợp họ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ lẽ ra được hưởng.

CPI Hà Nội tháng 9 tăng 0,57% sau cú sốc tháng 8

Theo Thống kê Hà Nôi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2013 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 6,68% so cùng kỳ. Có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so tháng trước.

Tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 2,02%) do bước vào năm học mới nhu cầu sách vở, đồ dùng học tập… tăng khiến cho giá mặt hàng này tăng. Thêm vào đó là việc tăng giá học phí đào tạo khối đại học, cao đẳng, dạy nghề… trong năm học 2013-2014.

Tháng 6 chỉ số CPI tăng trở lại với mức tăng không nhiều, đến tháng 8 do có sự tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh nên chỉ số tăng cao so tháng trước (tăng 3,16%), tháng 9 tăng 0,57%.

CPI TPHCM tháng 9 tăng 3,13% do tăng học phí

Báo cáo của Cục thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của TPHCM so với tháng 8 tăng 3,13%.

Trong tháng có 6/11 nhóm mặt hàng có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 57,2%) do tác động bởi tăng giá học phí các cấp học theo quyết định của UBND thành phố. Nếu tính mức học phí các cấp học tương đương tháng trước thì mức tăng giá của tháng 9 chỉ còn tăng 0,27% so với tháng 8.

So với tháng 9/2012, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,13%. Nhóm bưu chính viễn thông là nhóm có mức giá giảm duy nhất, 10 nhóm còn lại đều có mức giá tăng và cao nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 57,99%. Kế tiếp là nhóm may mặc, mũ nón giày dép tăng 5,31%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng ở mức 2,09%.

Hà Nội: GDP 9 tháng năm 2013 ước tăng 7,88% so với cùng kỳ

Cục Thống kê Hà Nôi, ước tính 9 tháng đầu năm 2013, tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tăng 7,88% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 2,35% (đóng góp 0,13% vào mức tăng chung của GDP).

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,42% (đóng góp 3,28% vào mức tăng chung).

Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 8,9% (đóng góp 4,47% vào mức tăng chung). Theo Thống kê Hà Nội, do tiền lương cơ bản từ tháng 7 vừa qua tăng 9,5% so với trước, nên các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… có tốc độ tăng khá.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 180 tỷ USD

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 (từ ngày 1/9 – 15/9/2013).

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 đạt 10,26 tỷ USD, giảm 16,1% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2013.

Với kết quả trên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2013 đạt 180,35 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt 90,06 tỷ USD, tăng 14,7% và nhập khẩu đạt 90,29 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 thâm hụt 374 triệu USD, kéo theo cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2013 đã chuyển sang trạng thái thâm hụt 226 triệu USD.

Xuất siêu 600 triệu USD trong tháng 8

Đây là tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp. Tính chung 8 tháng, Việt Nam xuất siêu 176 triệu USD.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính riêng tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 11,92 tỷ USD và nhập khẩu 11,32 tỷ USD, tăng lần lượt 2,8% và 0,9% so với tháng trước. Như vậy, Việt Nam tiếp tục xuất siêu tháng thứ 3 liên tiếp với giá trị 600 triệu USD.

Trong khi đó, số liệu ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam nhập siêu 300 triệu USD trong tháng 8.

Tính chung 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu 85,16 tỷ USD, tăng 15,10% so với cùng kỳ và nhập siêu 84,99 tỷ USD, tăng 14,4%. Xuất khẩu 8 tháng đạt 67,6% kế hoạch năm là 126 tỷ đồng.

Vay 500 triệu USD xây dựng tuyến metro số 2

Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định vay cho dự án “Xây dựng tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2, TP.HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương, khoản vay 2”.

Dự án do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM là chủ đầu tư. Hiệp định vay cho dự án đã được ký ngày 4.7.2013, giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Theo nội dung của Hiệp định, ADB cam kết tài trợ cho dự án khoản vay trị giá 500 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường (OCR) với thời hạn 23 năm và một khoảng thời gian ân hạn là 7 năm.

Công Vân

Theo Trí Thức Trẻ