Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Ai sẽ mua BIDV?

Ai sẽ mua BIDV?

Cổ phiếu BIDV đã chính thức niêm yết và giao dịch vào cuối tháng 1.2014.
.

Cổ phiếu BID của Ngân hàng đầu tư và phát triển việt nam (BIDV) được niêm yết và giao dịch là một sự kiện lớn trên thị trường tài chính. Với 2,81 tỉ cổ phiếu và giá chào sàn là 18.700 đồng, cổ phiếu của BIDV có giá trị vốn hóa lớn thứ ba sau VietinBank và Vietcombank trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.

BIDV đã có ý định lên sàn từ lâu, nhưng rồi bị trì hoãn cho đến bây giờ. Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám Đốc BIDV, cho biết kết quả kinh doanh đang khả quan và đó là lý do chính để Ngân hàng quyết định chào sàn ngay trước Tết Âm lịch (24.1.2014). Nhưng lên sàn lúc này liệu có thích hợp khi ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn?

Là ngân hàng cuối cùng thuộc sở hữu nhà nước đã thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), BIDV đang tiếp bước niêm yết sau hai ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và VietinBank.

Mức vốn hóa thị trường của hai ngân hàng này đã tăng lên đáng kể từ sau khi niêm yết, chủ yếu là nhờ bán được cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trong trường hợp của Vietcombank là bán cổ phần cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và tập đoàn tài chính Nhật Mizuho. Còn VietinBank thì cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ.

Vì vậy, có thể nói lên sàn chỉ là bước khởi đầu của BIDV. Điều quan trọng sau đó là kế hoạch tăng vốn, đặc biệt là việc thu hút dòng vốn ngoại.

Hiện tại, Nhà nước nắm giữ đến hơn 95% cổ phần BIDV. Kế hoạch của ngân hàng này là trong quý IV năm nay sẽ phát hành thêm 5.400 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 15% cho nhóm cổ đông nước ngoài, trong đó có cổ đông chiến lược. Có điều, cho đến nay, cổ đông chiến lược của BIDV vẫn chưa thấy xuất hiện.

Nếu xét rộng ra toàn thị trường ngân hàng, việc tăng vốn trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn. Một phần là do nguồn cung cổ phiếu ngân hàng dồi dào (không ít ngân hàng cũng đang tìm cách bán cổ phần). Một phần khác là chính sách nới room (giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) ở ngân hàng vẫn chưa rõ ràng.

Cũng giống như Vietcombank và VietinBank, BIDV sẽ phải vượt qua nhiều ngân hàng khác đang có kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại như Ngân hàng Quân Đội, hay Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Phương Đông. Tuy nhiên, BIDV đang nắm giữ lợi thế lớn: thuộc sở hữu nhà nước và có quy mô lớn.

Một điểm thuận lợi khác là các chỉ số tài chính của ngân hàng này đang khá tốt. Chẳng hạn, tính đến hết quý III/2013, tín dụng của BIDV đã tăng trưởng 8,9%, trong khi Vietcombank và VietinBank chỉ mới tăng trưởng ở mức hơn 3%. Tăng trưởng tín dụng của BIDV dù nằm trong nhóm tăng trưởng trung bình của thị trường, nhưng xét về quy mô thì lại lớn hơn nhiều.

Trong bản cáo bạch của mình, BIDV cho biết đang dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng trong giai đoạn 2010-2012. Tính đến hết quý III/2013, quy mô tín dụng của BIDV đạt hơn 373.000 tỉ đồng với 55,3% tổng dư nợ là những khoản vay ngắn hạn. Tương tự với những ngân hàng thương mại khác, tín dụng là nguồn doanh thu chủ yếu của BIDV.

Nợ xấu của BIDV cũng ở mức thấp. Theo Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, tỉ lệ nợ xấu tính đến hết quý III/2013 của BIDV chỉ 2,35%, thấp hơn nhiều so với mức 4,62% của thị trường. Nợ xấu của BIDV đang có xu hướng giảm với tỉ lệ nợ xấu năm 2011 và năm 2012 lần lượt là 2,76% và 2,7%.

Những con số tài chính trên cho thấy BIDV đang hấp dẫn hơn so với trước đây. Tuy nhiên, BIDV có vẻ đang chịu thiệt hơn khi đi sau VietinBank và Vietcombank.

Điều này được thể hiện qua mức giá dự kiến chào sàn. Nếu như cổ phiếu Vietcombank có giá tới 60.000 đồng/cổ phiếu khi niêm yết lần đầu vào tháng 6.2009 và VietinBank 40.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2011 thì năm 2014, BIDV dự kiến chỉ có 18.700 đồng/cổ phiếu.

Giá thấp cho thấy sự chú ý của giới đầu tư đối với ngân hàng do Nhà nước sở hữu đã giảm đi nhiều so với 4 năm trước đây. Điều này là có nguyên do. Với quy mô tín dụng khổng lồ, những tin đồn về tỉ lệ nợ xấu thực tế cao ở BIDV cũng xuất hiện theo. Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, đơn vị tư vấn cho nhiều ngân hàng, đó là một yếu tố khiến cổ phiếu của BIDV không được lựa chọn nếu chỉ đơn thuần dựa trên quyết định đầu tư.

“Cho đến giờ phút này vẫn chưa thấy bóng dáng cổ đông chiến lược của BIDV. Vì thế, rất khó có khả năng BIDV bán được vào cuối quý IV này”, ông nói.

Ông Sơn cho biết thêm, các nhà đầu tư thường đầu tư rất sớm vào ngành ngân hàng và khẩu vị ưa thích là ngân hàng chưa niêm yết. Vì vậy, việc BIDV lên sàn vào lúc này khiến người ta phải đặt câu hỏi: phải chăng BIDV đã có sẵn cổ đông chiến lược và đang âm thầm dọn đường cho việc bán cổ phiếu? Điều này cũng có khả năng xảy ra một khi BIDV niêm yết toàn bộ cổ phiếu của mình.

Khi nhìn lại quá trình bán cổ phần cho đối tác chiến lược ở Vietcombank và VietinBank, có thể thấy hai ngân hàng này có khá nhiều đối tác để lựa chọn và đều là ngay sau khi niêm yết.

Vietcombank, chẳng hạn, niêm yết vào tháng 6.2009 (chỉ niêm yết một phần, chưa bao gồm cổ phần nhà nước) và đến tháng 5.2011 thì niêm yết thêm phần vốn của Nhà nước. Đến tháng 9.2011, ngân hàng này đã tên công bố đối tác chiến lược là Mizuho.

Còn VietinBank thì dường như trắc trở hơn một chút. Tháng 7.2009, ngân hàng này cũng niêm yết một phần. Đến đầu năm 2010, có thông tin Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) hoặc Bank of Nova Scotia sẽ trở thành đối tác chiến lược của VietinBank. Nhưng trong năm đó chỉ có IFC tham gia, còn Nova Scotia thì không vì hai bên không đạt được thỏa thuận. Thông tin này được công bố trong tháng 2.2012. Nhưng đến cuối năm 2012, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ đã nhảy vào VietinBank.

Có vẻ như năm 2014, thị trường ngân hàng tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A tăng vốn khủng. Câu chuyện tiếp theo là ai sẽ mua BIDV.