Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Các mô hình liên kết giúp giải phóng hàng tồn BĐS

Các mô hình liên kết giúp giải phóng hàng tồn BĐS

Tính từ đầu năm đến nay, với mô hình liên kết này trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án đắp chiếu trước đây đã được tái cơ cấu lại trên cơ sở hạ giá.
.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn và tính thanh khoản, thị trường bất động sản lại tiếp tục xuất hiện thêm nhiều mô hình liên kết giữa chủ đầu tư, nhà phân phối, ngân hàng và người mua nhà để giải quyết hàng tồn. Và kết quả là dự án trở nên có tính thanh khoản hơn, người mua nhà tiếp tục đóng tiền và Ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong bối cảnh hiện nay không thể thực hiện được nếu không có các mô hình liên kết.

Đã 2 tháng kể từ khi dọn về ở tại căn hộ mới, nhưng gia đình anh Trần Mạnh Hùng, cư dân chung cư Sails Tower, quận Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa hết ngạc nhiên bởi chỉ 3 tháng sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đã giao nhà, một căn chung cư 94m2 tại quận Hà Đông. Anh Hùng cho biết: “Thấy các công trình đã được hoàn thiện rồi, chủ đầu tư làm tốt, xây dựng tốt nên tôi quyết định mua”.

Ít tai biết rằng, tòa chung cư Sails Tower đã từng bị chậm tiến độ nửa năm trời vì chủ đầu tư là Công ty Hải Phát hết vốn thi công, người mua nhà cũng không đóng thêm tiền theo tiến độ vì không tin vàonăng lực tài chính của chủ đầu tư. Dự án chỉ được khởi động trở lại khi 1 doanh nghiệp phân phối bắt tay cùng chủ đầu tư triển khai tiếp trên cơ sở tái cơ cấu sản phẩm BĐS.

Chung cư Sails Tower – Hà Đông. Ảnh: giaphatland

Ông Phạm Thành Hưng, TGĐ Tập đoàn Cen Group chia sẻ: “Những dự án sau khi chủ đầu tư đồng ý thay đổi cấu trúc sản phẩm hoặc giá thành, giá bán theo tư vấn của tập đoàn để đáp ứng đúng một phân khúc thị trường nhất định, thì chúng tôi cam kết đặt cọc để đảm bảo bao tiêu toàn bộ đầu ra đối với chủ đầu tư. Ngược lại, với khách hàng chúng tôi đảm bảo tiến độ đi trước, tiền thu sau”.

Với cách làm này, trong vòng 9 tháng qua, gần 2.000 căn hộ của 10 dự án chậm tiến độ đã được nhà phân phối này bán hết. Ngân hàng Việt Á – một trong các ngân hàng đã tham gia vào việc tài trợ vốn cho các dự án khẳng định: khi các dự án BĐS đã đảm bảo đầu ra và tính thanh khoản thì ngân hàng sẽ tự tin trong việc giải ngân.

Ông Hoàng Ngọc Minh Toàn, Phó TGĐ Ngân hàng thương mại CP Việt Á nói: “Giai đoạn vừa qua đóng băng, các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp BĐS phải ngồi lại với nhau để nhìn nhận là không chỉ dự án hiệu quả, mà kênh phân phối đầu ra cũng phải có sự đầu tư rất lớn, phải am hiểu thị trường, phải có một kênh bán hàng và có một đủ uy tín đến người tiêu thụ”.

Doanh nghiệp phân phối đổ thêm tiền để triển khai dự án theo hình thức ăn chia với chủ đầu tư, theo Bộ Xây dựng,đây có thể được coi là một hình thức bảo lãnh rủi ro cho người mua nhà. Nội dung này cũng nằm trong Dự thảo sửa đổi Luật kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng:”Để chủ đầu tư muốn bán nhà trong tương lai mà thu tiền trước của dân thì phải tham gia bảo lãnh bắt buộc, nếu chủ đầu tư không tham gia bảo lãnh bắt buộc thì phải hoàn thành xong dự án mới được bán”.

Từ nay đến cuối năm, gần 1.000 căn hộ nữa sẽ tiếp tục được Cen Group và chủ đầu tư hoàn thiện và bàn giao. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các mô hình liên kết này đang phát huy hiệu quả trong việc giải quyết hàng tồn kho BĐS, nguồn gốc của nhiều khoản nợ xấu hiện nay của nền kinh tế.

 

Theo VTV