Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Chốt thời hạn lập liên doanh xây cảng Lạch Huyện

Chốt thời hạn lập liên doanh xây cảng Lạch Huyện

Chậm nhất đến cuối tháng 7/2013, các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản phải ký được hợp đồng liên doanh để triển khai Hợp phần B, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) đúng tiến độ.
.

>>> Đua giành quyền khai thác 2 cảng biển nước sâu
>>> Cơ hội đầu tư hợp tác lĩnh vực logistics biển
>>> Trái đắng cảng biển nước sâu FDI

Yêu cầu trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đưa ra trong cuộc họp mới đây về kiểm điểm tiến độ triển khai Hợp phần B, Dự án Cảng Lạch Huyện, với sự hiện diện của các nhà đầu tư dự án là Công ty Molnykit, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cùng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).






Cảng Lạch Huyện khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng tạo thêm tiềm lực cho hệ thống cảng Hải Phòng. Ảnh: Đ.T

“Sau thời hạn trên, nếu Molnykit và Tân Cảng Sài Gòn không hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng liên doanh, thì phải báo cáo để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo xử lý”, ông Thăng kết luận.

Trước đó, do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu, Bộ GTVT đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận giới thiệu Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thay thế, cùng Molnykit đầu tư Hợp phần B.

Để việc thay thế này không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai, Bộ GTVT yêu cầu Vinalines khẩn trương thuê kiểm toán xác định lại khối lượng, kinh phí đã thực hiện và bàn giao toàn bộ cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Tân Cảng Sài Gòn có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, khối lượng và hoàn trả kinh phí hợp lý mà Vinalines đã thực hiện.

Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải), nếu các nhà đầu tư hai nước không rốt ráo thành lập được doanh nghiệp liên doanh, thì tiến độ triển khai Hợp phần B (xây dựng hai bến giai đoạn khởi động) theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sẽ “lệnh pha” với các hạng mục khác của công trình xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế lớn nhất miền Bắc này.

Được biết, sau khi tiến hành khởi công Hợp phần A (xây dựng hệ thống hạ tầng có giá trị lên tới 18.627 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản) vào cuối tháng 4/2013, Cục Hàng hải Việt Nam đang chỉ đạo các nhà thầu rốt ráo triển khai thi công trên hiện trường.

Đối với việc xây dựng hệ thống cầu vượt biển và đường dẫn dài 15,6 km kết nối cảng với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện có tổng mức đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và JICA cũng đã thống nhất được mốc khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên trước ngày 31/11/2013.

Cần phải nói thêm, công tác đàm phán thành lập doanh nghiệp liên doanh đầu tư Hợp phần B cũng đã kéo dài quá lâu, bởi từ cuối tháng 10/2011, Molnykit và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tiến sát tới việc thành lập liên doanh đầu tư Dự án dưới hình thức công ty TNHH hai thành viên, với vốn điều lệ gần 30 triệu USD.

Được biết, một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình đàm phán thành lập liên doanh là việc xử lý đề xuất của các đối tác Nhật Bản về việc phía Việt Nam phải cam kết mua lại Dự án trong trường hợp liên doanh bị thua lỗ.

Với đề xuất trên, lãnh đạo Bộ GTVT một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Việt Nam đối với với Dự án. Theo đó, phía Việt Nam cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện Hợp phần A và Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đồng thời thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng tàu, bảo đảm điều kiện khai thác của cảng.

Cùng với việc yêu cầu các bên liên doanh nghiên cứu, thống nhất lựa chọn nguồn vốn có điều kiện vay/trả tốt nhất, Bộ GTVT yêu cầu chỉ sử dụng tuyến vận tải quốc tế, không sử dụng tuyến nội thủy của quốc gia khác để đưa ra giải pháp đầu tư và đánh giá hiệu quả đầu tư Dự án.

“Các doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và những rủi ro bất khả kháng nếu có khi thực hiện Dự án”, ông Thăng nhấn mạnh.

(baodautu.vn)