Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Chủ động đa dạng hóa các quan hệ kinh tế

Chủ động đa dạng hóa các quan hệ kinh tế

Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau là một nguyên tắc của Việt Nam trong quan hệ với các đối tác. Vậy làm thế nào để chủ động, đa dạng hóa quan hệ kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài là chủ đề được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp “mổ xẻ” phân tích tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3-7 tại Hà Nội.

May áo vest xuất khẩu tại Công ty May 10 (Hà Nội).

Thách thức từ sự phụ thuộc

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam TS Trần Văn Huynh cho rằng: “Từ trước đến nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất nỗ lực, chịu khó trong việc mở rộng quy mô sản xuất cũng như khai thác các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, các DN vẫn chưa thật sự tự tin, bứt phá và mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào mối quan hệ kinh tế truyền thống với một đối tác cho nên khi “đối tác” có sự điều chỉnh hay thay đổi chính sách sẽ tạo ra những bất lợi, khó khăn. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận định, nhiều DN trong nước “an bài” làm gia công, không muốn thay đổi cách làm ăn, không có động lực đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm trung gian.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Đặng Phương Dung, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may Việt Nam năm 2013 mới đạt 47,1%. Thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam hiện nay là lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu).

Tình trạng “nút thắt cổ chai” nằm ở khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may bởi khả năng ngành dệt đáp ứng được 1,4 tỷ mét vải, trong khi ngành nhuộm chỉ đáp ứng được 800 triệu mét. Việc tập trung gia công may (CMT), chiếm tỷ trọng 70% toàn ngành, với giá trị gia tăng thấp, thu nhập thấp, biến động lớn về lao động và đe dọa sự phát triển ổn định của ngành.

Nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường

Mới đây, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam có thế mạnh về cao-su, nhưng lâu nay thường xuất khẩu mủ cao-su sang một thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vừa qua, một nhà đầu tư châu Âu đã tìm hiểu thị trường cao-su Việt Nam và cho biết, họ muốn nhập khẩu số lượng lớn mủ cao-su, mở cơ sở chế biến mủ cao-su ngay tại Việt Nam, nhưng DN này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, lâu nay, các DN thường vốn quen cách làm ăn “dễ dãi”, chỉ xuất khẩu mủ dạng thô sang một thị trường với chất lượng vừa phải. Nếu đầu tư nâng cao chất lượng mủ cao-su, giữ chữ tín bảo đảm cung cấp nguyên liệu mủ, thì cơ hội xuất khẩu mặt hàng này có tiềm năng rất lớn và không còn phụ thuộc vào một thị trường. Còn Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây, Việt Nam thường xuất khẩu khoảng 70% tổng sản lượng vải quả sang Trung Quốc. Những năm gần đây, Bộ Công thương đã tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, địa phương liên quan thúc đẩy tiêu thụ vải vào phía nam. Nhờ đó, đến nay, 60% tổng sản lượng vải đã được tiêu thụ trong nước. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bộ cũng đang thúc đẩy tiêu thụ nhiều loại quả khác, vấn đề là công nghệ bảo quản. Đến nay, Việt Nam cũng đã tích cực tìm hiểu và nhập khẩu một số công nghệ bảo quản tiên tiến của nước ngoài, hy vọng, thời gian tới, việc xuất khẩu hoa quả Việt Nam sẽ thuận lợi, mở rộng nhiều thị trường ở xa.

TS Trần Văn Huynh kiến nghị, Nhà nước cần nhanh chóng thay đổi những chính sách không phù hợp, là “rào cản” sự phát triển DN. Mặt khác, các DN phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, hàng rào kỹ thuật mới có thể tồn tại và phát triển kinh tế một cách bền vững. Ông Nguyễn Văn Thụ đề nghị Nhà nước, các bộ, ngành và chủ đầu tư phải có cơ chế, chính sách để bóc tách các gói thầu, giao các DN trong nước đảm nhiệm.

Việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị đồng bộ là yêu cầu cấp bách, góp phần quan trọng giảm nhập khẩu, giảm lệ thuộc vào một đối tác. Nhà nước cần sớm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu cho ngành cơ khí chế tạo nhằm giảm bớt sự lệ thuộc nước ngoài.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Các biện pháp bảo đảm nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào một thị trường nhất định đã được nêu ra trong nội dung Đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; khuyến khích tiêu dùng trong nước, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh. Đối với vấn đề chất lượng nhà thầu, nhất là hạn chế việc đấu thầu giá rẻ nhưng sau đó “chây ỳ”, nâng giá, Chính phủ cho rằng, vấn đề quan trọng là “đầu bài” do chủ đầu tư đặt ra và điều đó phụ thuộc nhiều năng lực, nhận thức của chủ đầu tư và sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-xtan, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vấn đề đặt ra là cần tận dụng, khai thác hiệu quả các FTA, cam kết quốc tế. Khi kết thúc đàm phán và ký được FTA với các đối tác trên, dự kiến một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sẽ được ưu đãi, giảm thuế suất, thậm chí có mặt hàng, thuế suất được giảm xuống còn 0%, chưa kể các hàng rào kỹ thuật được nới lỏng.

Đây là cơ hội lớn để hàng Việt Nam mở rộng thâm nhập thị trường này, đồng thời, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tranh thủ mức ưu đãi trên.

Dẫn chứng về việc Việt Nam xuất khẩu nhiều lương thực, song lại nhập khẩu rất nhiều thức ăn gia súc với kim ngạch lớn hơn cả xuất khẩu gạo, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, để thực hiện độc lập, tự chủ kinh tế, chúng ta phải tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao hàm lượng giá trị sản phẩm, nhất là nông sản. Điểm yếu của các DN Việt Nam hiện nay là trình độ phát triển khoa học – công nghệ chưa cao. Do đó, các DN cần cấp thiết đổi mới về khoa học – công nghệ, có những sản phẩm cạnh tranh và khác với các nước chung quanh. Chủ tịch VITAS Đặng Phương Dung cho biết, Việt Nam cần tận dụng thời cơ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dệt may. Để ngành dệt may phát triển ổn định, bền vững, chúng ta cần khai thác tối đa lợi thế từ các FTA, TPP; lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu; tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn thị trường phù hợp.

TÙNG LÂM, HỒNG ANH, HOÀNG ANH