Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Cơ chế chưa đi vào cuộc sống

Cơ chế chưa đi vào cuộc sống

Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2030 sẽ có khoảng 60 nhà máy nhiệt điện được xây dựng với suất đầu tư khoảng 97 tỷ USD/nhà máy, trong đó chi phí thiết bị chiếm 60-70%.
.



Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2030 sẽ có khoảng 60 nhà máy nhiệt điện được xây dựng với suất đầu tư khoảng 97 tỷ USD/nhà máy, trong đó chi phí thiết bị chiếm 60-70%. Cùng với Quyết định 1791/2012/QĐ- TTg đẩy nhanh tiến trình nội địa hóa (NĐH) chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước coi như có cơ hội vàng để nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm cho người lao động. Thế nhưng, việc biến cơ hội thành hiện thực đang gặp không ít vướng mắc.

Vì vậy, tìm giải pháp triển khai cơ chế, đưa chủ trương NĐH chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện đi vào cuộc sống là nội dung chính tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan ngày 1/7 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME), hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã có thể NĐH cung cấp một số thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện trong nước với giá rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Nhiều dự án nhiệt điện như Na Dương, Phú Mỹ 3 và 4, Vũng Áng 1, Phả Lại 2 đã có sự tham gia tích cực của DN trong nước. Dự án nhiệt điện Uông Bí do Lilama lần đầu tiên làm tổng thầu EPC đã rất thành công.

Tuy nhiên, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam vẫn chưa thể tham gia vào các dự án lớn. Tỷ lệ NĐH thiết bị đồng bộ của nhà máy nhiệt điện thường chỉ đạt 40% về khối lượng và 20-25% về giá trị. Ngay cả khi nhà thầu trong nước làm tổng thầu một số dự án nhiệt điện Phú Mỹ, Uông Bí 1, Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1… thì tỷ lệ NĐH cũng rất thấp vì phần cung cấp thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài thiết kế và cung cấp.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu đặt yếu tố giá lên hàng đầu cùng với áp lực phải vay vốn nước ngoài khiến thời gian qua Việt Nam trở thành nước “nhập siêu EPC”. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các DN cơ khí chế tạo còn lỏng lẻo, các chủ đầu tư ngại trách nhiệm khi sử dụng tổng thầu trong nước. Vì vậy, các DN Việt Nam không có cơ hội chủ động lựa chọn thiết bị trong nước để giảm giá thành đầu tư, đẩy nhanh tiến trình NĐH.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Các dự án nhiệt điện trong Quy hoạch điện VII phải quan tâm xem xét vấn đề sử dụng thiết bị trong nước có thể cung cấp. Tuy nhiên, sản phẩm trong nước phải có tính cạnh tranh, đảm bảo tiến độ, chất lượng so với hàng nhập khẩu.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiện trình độ của các DN cơ khí trong nước có thể đảm đương khoảng 11 hạng mục thiết bị trong gói thầu EPC các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên đến nay, việc tham gia thiết kế, chế tạo, lắp đặt các gói thầu cơ khí trong nước vẫn đang hết sức khó khăn, các cơ chế ưu đãi trong Quyết định 1791/2012/QĐ- TTg vẫn chưa đi vào cuộc sống. Nhà thầu trong nước chủ yếu mới chỉ tham gia chế tạo những phần rất nhỏ trong tổng thầu, chủ yếu là những hạng mục không có hiệu quả kinh tế cao.

Để đẩy nhanh tiến trình NĐH các nhà máy nhiệt điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh trình tự thủ tục triển khai các cơ chế trong Quyết định 1791, thực hiện giao ban thường xuyên để xem xét, tháo gỡ ngay các vấn đề đối với từng dự án. Các DN cơ khí tổ chức phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị để tránh chồng chéo, cạnh tranh không hiệu quả. Mục tiêu là phải đưa được chủ trương quan trọng này sớm đi vào thực tế, từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị, góp phần giải quyết bài toán nhập siêu lớn trong các sản phẩm cơ khí chế tạo hiện nay.

Về phần mình, các DN cơ khí cần chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp, tích cực đổi mới, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Theo CôngThương