Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Có quá sớm để nói kinh tế Trung Quốc khủng hoảng?

Có quá sớm để nói kinh tế Trung Quốc khủng hoảng?

Theo quan chức IMF, việc kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây chỉ là một sự điều chỉnh cần thiết.

Ông Carlo Cottarelli của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, một sự điều chỉnh là cần thiết song hiện còn quá sớm để nói về một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc. IMF đã dự báo kinh tế của Trung Quốc năm nay sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 6,8%, thấp hơn năm 2014.

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 khi chỉ đạt 7,4% so với mức tăng trưởng 7,7% của năm 2013. Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu giảm đà tăng trưởng với tỷ lệ 7% trong hai quý đầu năm.

Co qua som de noi kinh te Trung Quoc khung hoang?
Kiểm tiền nhân dân tệ tại ngân hàng ở Lianyungang, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường biến động vì những diễn biến xung quanh tình hình kinh tế thế giới. Các số liệu ảm đạm về tình hình kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng yếu đã lại một lần nữa phủ đám mây u ám lên bầu trời kinh tế toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán và năng lượng lao dốc.

Theo báo cáo sơ bộ mới công bố của Caixin/Markit, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo trong tháng 8/2015 của Trung Quốc chỉ đạt 47,1 điểm, so với 47,8 điểm của tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Không chỉ có lĩnh vực chế tạo, các số liệu về đầu tư và doanh số bán lẻ trong tháng 7/2015 của Trung Quốc cũng khá thất vọng và làm dấy lên quan ngại về sự mất đà của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gây ra một hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, kinh tế Mỹ cũng đón nhận số liệu kém khả quan, với PMI trong lĩnh vực chế tạo bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất của hai năm là 52,9 điểm, so với mức 53,8 điểm trong tháng Bảy và mức dự báo 54 điểm được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.

Ngoài hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, nhất là sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bất ngờ đệ đơn từ chức. Mặc dù vậy, chỉ số PMI của khu vực này trong tháng Tám đã tăng lên 54,1 điểm thay vì mức 53,9 điểm trước đó trong tháng Bảy, qua đó cho thấy chương trình mua trái phiếu khổng lồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy tác dụng.

Tuần trước, các thị trường trên thế giới đã chao đảo sau khi Bắc Kinh bất ngờ điều chỉnh hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD khi số liệu yếu kém về kinh tế được công bố cộng với việc thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 33% giá trị kể từ tháng 6/2015 năm nay. Chứng khoán lao dốc khiến giới đầu tư đổ xô đi tìm những tài sản an toàn hơn như vàng và các loại trái phiếu chính phủ.

Trong khi kinh tế Trung Quốc ảm đạm, nước này tiếp tục đón nhận tin không mấy vui vẻ khi IMF ngày 19/8 công bố chưa bổ sung thêm đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của tổ chức này (hay còn gọi là giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt – SDR) ít nhất là một năm và tiếp tục giữ nguyên các đồng tiền trong giỏ, gồm đồng USD, yen Nhật, bảng Anh và đồng euro.

Giám đốc điều hành IMF bà Christine Lagarde cho rằng IMF sẽ công nhận đồng nhân dân tệ là đồng tiền dự trữ của tổ chức này, song để đưa ra kết quả cuối cùng còn cần thêm thời gian.

Như vậy, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa đồng nội tệ của quốc gia này vào giỏ tiền tệ của IMF trong năm 2015 đã không thành công và nước này phải chờ thêm ít nhất là tới tháng 9/2016 khi IMF đưa ra quyết định mới. Động thái này của IMF cũng phát đi tín hiệu tới các thị trường rằng việc tăng thu mua đồng nhân dân tệ sẽ tạm thời không còn cần thiết.

Mặc dù Bắc Kinh đã phác thảo kế hoạch để tự do hóa thị trường tài chính song đồng nhân dân tệ đến nay vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của IMF về yêu cầu đồng tiền trong giỏ dự trữ phải được “sử dụng tự do”.

An Nhiên (Tổng hợp)