Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Để công nghiệp phục hồi nhanh hơn nữa

Để công nghiệp phục hồi nhanh hơn nữa

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã có xu hướng tăng lên qua các tháng gần đây song cần phải phục hồi nhanh hơn nữa khi tốc độ tăng của IIP trong 5 tháng đầu năm mới đạt 5,2% so với 6,2% của cùng kỳ năm 2012.

.
Trong 4 ngành của toàn ngành công nghiệp, chỉ có công nghiệp khai khoáng tăng thấp (khai thác dầu thô tăng, còn khai thác than, khai khoáng khác giảm sâu). Điều đó là phù hợp với chủ trương tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được; thuế suất xuất khẩu khoáng sản còn được nâng lên.

Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp đã tăng cao hơn tốc độ chung (5,5% so với 5,2%), trong đó có một số ngành chi tiết tăng cao hơn, như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,3%, sản xuất da tăng 14,7%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 12,7%, sản xuất đồ uống tăng 11,8%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,5%, sản xuất trang phục tăng 9,4%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 6%…

Một số sản phẩm chủ yếu của ngành này tăng khá cao, như phân urê tăng 58,7%, điện thoại di động tăng 18%, thép cán tăng 17,4%, đường kính tăng 15,3%, sữa bột tăng 13,2%, xe tải tăng 12,2%, bia tăng 10,9%, sơn hóa học tăng 9,4%, quần áo mặc thường tăng 7,9%, xi măng tăng 7,4%, thép thanh thép góc tăng 7,4%…

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến tăng cao hơn chỉ số sản xuất (5,7% so với 5,5%) song tốc độ tăng tồn kho vẫn còn cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng của sản xuất và tốc độ tăng của tiêu thụ.

Công nghiệp điện tăng 8,9%. Công nghiệp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,6%.

Một số tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn tăng cao hơn tốc độ chung, như Vĩnh Phúc tăng 16,4%, Đà Nẵng tăng 10,4%, Hải Dương tăng 9,4%, Cần Thơ tăng 7,6%, Đồng Nai tăng 6,9%, Bình Dương tăng 6,4%, Bắc Ninh tăng 5,7%…

Để công nghiệp phục hồi nhanh hơn nữa trong các tháng tới, có hai nhóm giải pháp cần được thực hiện với liều lượng cao hơn.

Ở đầu vào, cần tiếp tục hạ thấp lãi suất cho vay hơn nữa, điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn, giúp tăng trưởng tín dụng cao lên. Về mặt tài khóa, ngoài việc cắt giảm, giãn, hoãn các khoản nộp ngân sách, thực hiện cắt giảm thuế theo quy định mới, cần thực hiện kiến nghị của các chuyên gia là Trung ương và địa phương phải thực hiện việc trả nợ vốn đầu tư cho khối lượng mà các đơn vị thi công đã thực hiện (khoảng gần 100 nghìn tỷ đồng); đẩy nhanh việc cung ứng vốn và tiến độ thực hiện các công trình quan trọng, cấp thiết. Đã có đề xuất nới nợ công bằng phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng không nên nới bội chi, nới chỉ tiêu lạm phát.

Ở đầu ra, cần đẩy nhanh tiêu thụ, giảm tồn kho. Doanh nghiệp cần tiết giảm hơn nữa giá thành, phí lưu thông để hạ giá bán nhằm khuyến khích tiêu dùng. Nhà nước nghiên cứu có thể giảm thuế VAT để giảm giá bán trong điều kiện sức mua thấp. Đồng thời, kiềm chế nhập siêu vì nếu không làm tốt điều này sẽ khiến hàng trong nước tồn kho cao, lại khuyến khích tâm lý sùng bái hàng ngoại. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán, đến tỷ giá…

Nguồn : Baodientu.chinhphu.vn