Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Dừng xuất khẩu nhiều loại than từ năm 2015

Dừng xuất khẩu nhiều loại than từ năm 2015

– Từ năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ dừng xuất khẩu các loại than cám 4, 5, 6 (cỡ hạt nhỏ hơn hoặc bằng 15 mm) tại một số mỏ than phía Bắc.
.

Cụ thể, theo Thông tư quy định về xuất khẩu than do Bộ Công Thương ban hành có hiệu lực từ ngày 18-7-2013 (xem tại đây), trước mắt đối với loại than cám 6 tại các mỏ Hòn Gai-Cẩm Phả, Mạo Khê, Uông Bí – Nam Mẫu – Vàng Danh sẽ dừng xuất khẩu từ năm 2015, còn các loại than cám 4, cám 5 tại các mỏ nói trên cũng sẽ dừng xuất khẩu từ năm 2016 trở đi.

Trong khi đó, việc xuất khẩu than cám 1, cám 2, cám 3 tại các mỏ Hòn Gai-Cẩm Phả, Uông Bí – Nam Mẫu – Vàng Danh cũng sẽ bị hạn chế từ sau năm 2015.

Thông tư của Bộ Công Thương cũng nêu đối với than cục tại các mỏ nói trên các loại cỡ hạt 6-100 mm, 15-100 mm và 6-90 mm cũng sẽ hạn chế xuất khẩu từ sau năm 2015.

Đầu năm 2013, TKV đặt mục tiêu trong năm nay tập đoàn này tiêu thụ 43 triệu tấn than, tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012; trong đó, xuất khẩu 16 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2012.

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2013, TKV đã đạt lượng than tiêu thụ 21,5 triệu tấn bằng 50% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu 7,2 triệu tấn, đạt 45% kế hoạch năm.

Theo Quy hoạch phát triển điện 7, Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm đầu mối nhập khẩu than cho sản xuất điện với mục tiêu đến năm 2015 nhập khẩu 10 triệu tấn than và đến năm 2020 nhập 65 triệu tấn.

Bộ Công Thương mới đây cũng nhận định tỉ trọng than lộ thiên đang giảm dần, điều kiện khai thác các hầm lò ngày càng xuống sâu.

Trong một lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trước đây, một lãnh đạo TKV cho biết, trong những năm tới, dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu các loại than cám 5 để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất điện, xi măng.

Lãnh đạo TKV giải thích rằng xét về hiệu quả, việc xuất khẩu than tốt, than xấu trong nước không dùng để lấy tiền nhập khẩu các loại than trong nước có nhu cầu hiện đang phát huy hiệu quả kinh tế.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguồn than chủ yếu của Việt Nam tập trung tại bể than Đông Bắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các vùng ven biển Đồng bằng Bắc Bộ với tổng trữ lượng than cả nước (kết quả khảo sát năm 2010) ước khoảng gần 49 tỉ tấn.

InfoTV (Theo TBKTSG)