Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Được và mất khi tái cơ cấu đầu tư công

Được và mất khi tái cơ cấu đầu tư công

Vốn đầu tư sẽ được tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện ưu tiên cho các dự án lớn quan trọng quốc gia về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo…

.

Theo ông Trần Văn – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công, trước hết phải bố trí vốn tập trung, không dàn trải như Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua kế hoạch vốn TPCP trung hạn 4 năm 2012 – 2015 để các ngành, địa phương chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Trần Văn – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khẳng định, nếu các công trình, dự án phát huy tốt hiệu quả, thì việc vay để đầu tư, trả lãi, nợ gốc là có cơ sở và an ninh tài chính quốc gia vẫn được bảo đảm.

Đầu tư công luôn là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Đặc biệt là thời điểm này, tăng đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu, nhằm vực dậy nền kinh tế đang rất khó khăn hiện nay. Nhưng cũng có những băn khoăn liệu việc tiếp tục tăng nợ công có làm mất an ninh tài chính?

Đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, dẫn dắt, kích thích, khuyến khích đầu tư xã hội, đảm nhận các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội không sinh lời, ít có khả năng hoàn vốn hay ở các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể đảm nhiệm được. Những kết quả đã đạt được trong đầu tư tăng cường hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đất nước, những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, các cấp, các ngành cả ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua rất đáng trân trọng.

Chỉ tính riêng ngành giao thông, trong giai đoạn 2006 – 2012 đã xây dựng mới và nâng cấp 5.472 km đường, 79.837 mét cầu đường bộ, 132,4 km đường sắt, 141.834 mét cầu đường sắt, cải tạo 1.360 km đường thủy nội địa, xây dựng 8 cảng hàng không mới…

Chính vì lẽ đó, mặc dù tỷ trọng của đầu tư công trong tổng mức đầu tư toàn xã hội có giảm nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng hàng năm. Ngay cả đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), Chính phủ cũng đang chỉ đạo tính toán các cân đối vĩ mô để cân nhắc đề xuất việc phát hành thêm cho dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), hoặc bố trí cho các dự án quan trọng có tác động lan tỏa lớn đến tái cơ cấu kinh tế của cả nước cũng như từng vùng, các dự án có trong danh mục có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả từ nay đến năm 2015 mà thiếu vốn…

Tất cả là rất cần thiết và do đó, nếu các công trình, dự án phát huy tốt hiệu quả, thì việc vay để đầu tư, trả lãi, nợ gốc là có cơ sở và an ninh tài chính quốc gia vẫn được bảo đảm.

Nhưng trong bối cảnh thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công, một số công trình đã phải giãn, hoãn tiến độ. Mà một khi dự án dừng, giãn tiến độ sẽ bị hư hỏng, dẫn đến sự thất thoát, lãng phí?

Đúng là có một số công trình, dự án sau khi rà soát theo các tiêu chí do chính phủ quy định thuộc diện đình hoãn, giãn tiến độ để ra sau năm 2015. Đây là việc làm “cực chẳng đã”, do khả năng cân đối vốn còn hạn chế so với số công trình, dự án còn trong danh mục; trong khi các chỉ tiêu nợ công, bội chi NSNN, trần phát hành TPCP giai đoạn 2011 – 2015 đã được Quốc hội quyết định.

Cho dù được bố trí vốn để thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng khả năng hư hỏng, thất thoát khối lượng đã thực hiện là không thể tránh khỏi nhất là ở những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở.

Phần lớn đây là các công trình mới khởi công, mới được bố trí 10 – 20% vốn so với tổng mức đầu tư. Cho nên, giữa phương án “mất nhiều” và “mất ít” để đầu tư tập trung vốn, sớm đưa các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong giai đoạn 2011 – 2015 vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với nền kinh tế, chúng ta buộc phải chọn phương án “mất ít”. Có lẽ đó cũng là chi phí của tái cơ cấu đầu tư công mà chúng ta phải trả giá.

Một trong những giải pháp hạn chế đầu tư dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư là xây dựng kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn. Theo ông điều này có hạn chế được những mất mát trong thời gian tới?

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công, trước hết phải bố trí vốn tập trung, không dàn trải như Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua kế hoạch vốn TPCP trung hạn 4 năm 2012 – 2015 để các ngành, địa phương chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Tới đây, vốn đầu tư từ NSNN cũng sẽ được phân bổ theo kế hoạch trung hạn như vốn TPCP, vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chuyển sang giao trung hạn 5 năm. Nghị định của Chính phủ về đầu tư trung hạn đang được nghiên cứu, hoàn thiện là bước tiến quan trọng để tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao trách nhiệm của các định chế có liên quan trong lập và phê duyệt, giao kế hoạch, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn. Đó cũng là chuẩn mực tiên tiến của thế giới mà chúng ta hướng đến.

Chắc chắn công tác quản lý đầu tư phát triển sẽ được tăng cường ở tất cả các khâu từ quy hoạch, kế hoạch, xây dựng dự án, bố trí vốn đến triển khai thực hiện. Vốn đầu tư sẽ được tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện ưu tiên cho các dự án lớn quan trọng quốc gia về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo…

Một giải pháp khác là kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác ngoài NSNN cho những dự án đang thi công dở dang để tránh lãng phí nguồn lực nhưng liệu có khả thi?

Khi chính sách tài khóa ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, vốn đầu tư từ NSNN, tín dụng Nhà nước, DNNN giảm thì việc huy động các nguồn vốn xã hội là rất quan trọng để bảo đảm tổng mức đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt mục tiêu Đại hội XI của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015 đề ra là 40% GDP.

Theo hướng này, các cơ chế, chính sách về hợp tác công – tư (PPP) đang được gấp rút sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các mô hình đầu tư PPP, đầu tư – khai thác – chuyển giao (BOT), sẽ được sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Tình trạng “đầu tư công chèn lấn đầu tư khu vực tư nhân” chắc chắn sẽ được cải thiện. Mà các dự án đầu tư tư nhân hầu hết đều có hiệu quả cao vì họ biết chắt chiu đồng vốn, tiết kiệm tối đa để giảm giá thành, giám sát chặt chẽ để bảo đảm chất lượng công trình, dự án, nói chung là có trách nhiệm đối với cả thế hệ hiện tại và cả tương lai.

Việc các nhà đầu tư tư nhân nhận 17 dự án BOT trong số 37 dự án toàn tuyến thuộc Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A với tổng chiều dài 562 km, tổng mức đầu tư 42.502 tỷ đồng là một minh chứng rõ rệt cho xu hướng tiến bộ trong tái cơ cấu đầu tư.

Luật Đầu tư công đang trong quá trình soạn thảo sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về đầu tư, trong đó có đầu tư theo mô hình PPP để nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí, giải trình minh bạch về hiệu quả với xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nguồn : Kinhte24h