Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Giá dầu khép tuần lên mức cao nhất 15 tháng qua

Giá dầu khép tuần lên mức cao nhất 15 tháng qua

Thị trường dầu mỏ tuần qua đã khép lại trong xu thế tăng mạnh, với giá dầu ngọt nhẹ New York (Mỹ) giao tháng 8/2013 chốt phiên cuối tuần 12/7 tăng thêm 1,04 USD lên 105,95 USD/thùng, mức cao nhất 15 tháng qua, trong khi dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,08 USD lên 108,81 USD/thùng – mức cao nhất kể từ đầu tháng Tư đến nay.
.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Hai mức giá này đều cao hơn mức giá chốt của cuối tuần trước nữa là 102,93 USD/thùng (dầu ngọt nhẹ) và 107,35 USD/thùng (dầu Brent), đồng thời cũng là các mức cao nhất từ nhiều tháng nay.

“Tiếp sức” cho giá dầu ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 8/7 là những thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nhà tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới. Bộ Lao động Mỹ ngày 8/7 cho biết trong tháng 6/2013 nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 195.000 việc làm, vượt quá con số 165.000 việc làm mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng Sáu cũng được duy trì ở mức 7,6%.

Thông tin đáng khích lệ này đã giúp giới đầu tư củng cố thêm niềm tin vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế số một thế giới đồng thời lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong thời gian tới.

Ngoài ra, tình hình căng thẳng kéo dài tại Ai Cập, Libya và Syria cũng dẫn tới dự báo nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông sẽ bị hạn chế, qua đó giá dầu có thể sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng trong những ngày tới.

Giá dầu tiếp tục “vọt” lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 trong phiên giao dịch ngày 9/7 tại thị trường Mỹ, giữa bối cảnh tình hình bất ổn chính trị tại Ai Cập ngày càng trở nên căng thẳng, cùng những đồn đoán về nguy cơ dự trữ dầu thô của Mỹ có xu hướng sụt giảm.

Tới phiên 10/7, giá dầu vẫn tiếp tục đồng loạt đi lên tại các thị trường, nhờ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ và một loạt các số liệu đáng khích lệ từ nền kinh tế Mỹ, báo hiệu nhu cầu tiêu thụ dầu tại nước này đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị tại Ai Cập cũng là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu, bởi quốc gia này là nơi nắm quyền kiểm soát một số tuyến đường cung ứng dầu quan trọng bậc nhất trên thế giới hiện nay như kênh đào Suez nơi có hoạt động trung chuyển dầu thô lên tới 4 triệu thùng/ngày, tương đương 13% sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Đà tăng vẫn tiếp nối trong hai phiên cuối tuần 11 và 12/7, trong bối cảnh số liệu thống kê cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến – dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khởi sắc.

Ngoài ra, giá dầu còn được hậu thuẫn nhờ bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương nước này) Ben Bernanke cho rằng, chương trình nới lỏng tiền tệ của Fed vẫn rất cần thiết, Fed sẽ tiếp tục duy trì chương trình kích thích kinh tế “trong một thời gian không dự đoán được”, cho tới khi nào thị trường việc làm Mỹ thực sự được cải thiện và tình hình lạm phát ở mức đáng lo ngại.

Thêm vào đó, việc OPEC dự báo “sức khỏe” kinh tế vững lên sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thế giới năm 2014 tăng thêm 1 triệu thùng/ngày – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, lại càng đẩy giá dầu tăng cao.

Trong phiên giao dịch chiều ngày 11/7 tại thị trường Singapore, giá dầu thô Brent thậm chí đã có lúc vọt lên gần 109 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua, trong khi giá dầu New York cũng ngấp nghé mức đỉnh của 16 tháng.

Mặc dù hoạt động bán ra chốt lời có những thời điểm đã kéo giá dầu đi xuống, song chốt phiên cuối tuần 12/7, giá dầu vẫn được đẩy lên, nhờ những nhân tố mang tính hỗ trợ trên.

Tuần qua cũng là tuần thứ hai liên tiếp, thị trường dầu mỏ thế giới được hưởng lợi từ những tín hiệu sáng gần đây của nền kinh tế Mỹ, cùng những bất ổn địa chính trị tại một số nưóc châu Phi và Trung Đông và động thái của Fed./.

Thùy Chi (TTXVN)