Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Kỳ vọng kết nối công nghiệp hỗ trợ

Kỳ vọng kết nối công nghiệp hỗ trợ

Chính sách đầu tư và phát triển của nhiều DN trong ngành CNHT còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nên khó đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài.
.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc xây dựng và kết nối cung – cầu thị trường các sản phẩm máy móc, công nghệ và phụ tùng được xem là hướng đi cần thiết giúp các doanh nghiệp (DN) tìm kiếm nhà nhập khẩu (NK) và phân phối sản phẩm. Sự kết hợp của 4 triển lãm dành cho ngành CNHT Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức từ ngày 4 – 6/9 tại Hà Nội đã mang lại nhiều kỳ vọng cho các DN trong việc mở rộng kết nối thị trường.

Ông Võ Đông Viên – Giám đốc Nhà máy Công ty Enshu Sanko Việt Nam (ESV), cho biết các sản phẩm CNHT của Việt Nam cũng có nhiều ưu thế cạnh tranh khi kỹ thuật sản xuất cũng “không thua kém” các đối thủ khác.

Tuy nhiên, chính sách đầu tư và phát triển của nhiều DN trong ngành CNHT còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nên khó đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài.

Yếu kết nối cung – cầu

“Các nhà cung cấp linh, phụ kiện của Việt Nam không chủ động tìm thị trường, mà chúng tôi phải chủ động tìm đến họ. Để tìm được những nhà cung cấp có chất lượng, hiệu quả phải mất rất nhiều thời gian, trong khi các công ty của Việt Nam thì khá là hấp tấp, khi liên hệ thì muốn có công việc ngay, còn công ty Nhật Bản thì muốn lựa chọn kỹ lưỡng hơn”, ông Viên nói.

Giống các DN như ESV tại gian hàng “Bên Mua”, những công ty tại gian hàng “Bên Bán” cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác NK linh phụ kiện. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Việt (CNV), mặc dù đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm linh kiện, phụ tùng cơ khí cho nhiều tập đoàn lớn có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, như: Honda, Samsung… Nhưng theo bà Nguyễn Thị Lê – Quản lý phòng Kinh doanh CNV, các tập đoàn lớn luôn đưa ra những tiêu chí kiểm tra, đánh giá rất khắt khe, liên quan đến việc đầu tư nhà máy, máy móc thiết bị, cho đến chất lượng sản phẩm theo yêu cầu khách hàng, năng lực cung ứng…

Image

Do vậy, với những DN cung cấp nhiều sản phẩm như CNV nhưng lại không đầu tư chuyên sâu cho các dòng sản phẩm, đã chịu áp lực lớn trước những đòi hỏi nghiêm ngặt từ các nhà NK, thậm chí phải thường xuyên thay đổi thiết kế sản phẩm theo yêu cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí đầu vào đang ngày càng tăng cao, các sản phẩm của CNV gặp không ít khó khăn trong việc duy trì đều đặn đơn hàng cho các đối tác.

Thực tế cho thấy phát triển ngành CNHT có vai trò lớn trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm NK từ nước ngoài, từ đó làm giảm chi phí giá thành sản phẩm khi có những ngành, các sản phẩm CNHT mang đến 90% giá trị gia tăng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ đạt 28% (trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan là 53% và Trung Quốc là 61%).

Cơ quan Phát triển CNHT của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội và Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade – Bộ Công Thương) là những đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức triển lãm CNHT Việt Nam – Nhật Bản cũng nhận thấy nhu cầu kết nối mua bán các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất giữa 2 nước là rất cần thiết.

Do đó, việc tổ chức triển lãm với mô hình đặc biệt khi kết hợp 4 sự kiện trong một, trong đó, sẽ có 57 nhà triển lãm Nhật Bản (vai trò là bên mua) sẽ trưng bày các phụ tùng và linh kiện muốn mua tại Việt Nam và 54 đơn vị trưng bày Việt Nam (bên bán) sẽ trưng bày các mặt hàng sản xuất muốn bán là cần thiết. Đặc biệt, triển lãm lần thứ 5 này còn có ý nghĩa khuyến khích khi cung cấp miễn phí hơn 100 gian hàng cho 107 DN của 2 nước tham gia.

Nâng công nghệ, rộng giao thương

Theo ông Daisuke Hiratsuka – Phó Chủ tịch Điều hành Jetro, sự quan tâm của các DN Nhật Bản tới Việt Nam liên tục tăng cao, thể hiện qua số lượng DN ngành chế tạo của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng lên. Nếu như năm 2012, số vốn đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam là 4,3 tỷ USD, thì tính đến hết tháng 3/2013, số dự án đầu tư mới là 1.900 dự án, với số vốn lên đến 31,8 tỷ USD, trong đó có 55,7% số dự án và 83,4% vốn đầu tư là vào ngành sản xuất chế tạo.

Tuy nhiên, ông Hiratsuka cũng chỉ ra những khó khăn trong nội địa hóa linh kiện ở Việt Nam là một trong những vấn đề mà các DN ngành chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam đang gặp phải. Theo điều tra của Jetro, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, nguyên phụ liệu ở Trung Quốc và Thái Lan chiếm tới 50 – 60%, trong khi ở Việt Nam chưa đạt 30% (27,8%), trong đó chỉ có 45% là mua từ các DN trong nước.

Với thực tiễn như trên, đại diện của Jetro và Vietrade cũng như các DN 2 nước đều kỳ vọng thông qua những cuộc triển lãm công nghệ, có nhiều hợp đồng sản xuất sản phẩm với giá trị gia tăng cao được ký kết. Đây cũng là cơ hội giúp Việt Nam tiếp cận được công nghệ sản xuất, ngành CNHT phát triển mạnh của Nhật Bản để tiêu chuẩn hóa sản phẩm nội địa, mở rộng thêm nhiều cơ hội giao thương thị trường.


Theo Cẩm An – Thời báo kinh doanh