Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Làm thế nào để khơi dậy tinh thần kinh doanh?

Làm thế nào để khơi dậy tinh thần kinh doanh?

(NDH) Ngày 26/12, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức một buổi tọa đàm giữa các thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2000 nhằm tham vấn về cải cách thể chế.
.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân, tinh giảm bộ máy hành chính nhà nước và nhiều cải cách khác nếu không muốn tụt hậu.

Cần chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân

GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư chia sẻ: “Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển nhanh như giai đoạn sau năm 2000 nếu tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân”.

Hiện nay, vốn trong dân vẫn nhiều, kiều hối mỗi năm tới 11 tỉ USD, người dân đang giữ khoảng 400 tấn vàng. Kiều hối nhiều như thế để làm gì? Năm nay tiền tiết kiệm vẫn nhiều.

GS.TS Nguyễn Mại cho rằng: “Ý tưởng kinh doanh của người dân còn rất nhiều, và cần được sự hỗ trợ của nhà nước”.

Hiện có những doanh nghiệp tư nhân làm ăn tốt, xuất khẩu sang cả nước ngoài, nhưng chưa được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước. Hàng năm, có hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm, nếu có chính sách hỗ trợ tốt cho thanh niên khởi nghiệp thì sẽ có nhiều công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp phát triển.

“Tôi cho rằng, tinh thần kinh doanh nếu được sự hỗ trợ của nhà nước, có quỹ đầu tư mạo hiểm, để hàng trăm nghìn thanh niên ra trường có tinh thần kinh doanh thì không lo gì không có việc làm”, GS.TS Nguyễn Mại nhận định.

Để làm được điều đó, theo GS.TS Nguyễn Mại thì nhà nước cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhà nước lớn hướng vào nghiên cứu, phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, cần hướng vào 3 loại. Một là tập đoàn lớn, cần có chính sách hợp tác phát triển để đến năm 2020 chúng ta có những có tập đoàn vươn ra tầm quốc tế, cần hướng nó vào những lĩnh vực ngành nghề mà đất nước cần, có chính sách riêng để hỗ trợ chứ không phải là chính sách chung chung như hiện nay. Quan trọng nhất là không đầu tư theo kiểu dàn trải, ngành nào lĩnh vực nào cũng tham gia, ôm dự án rồi lại bỏ đấy.

Thứ hai là cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa, bởi đây là nơi tập trung nhiều lao động nhất hiện nay.

Thứ ba là phải có chính sách riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, kích hoạt mở doanh nghiệp cho thanh niên có ý tưởng. Thậm chí như Trung Quốc thành lập nghiên cứu phát triển, tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp cho đến khi ra đời…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chia sẻ: “Tôi cho rằng phải thay đổi hệ thống khuyến khích sao cho người ta không nhắm tới đầu cơ đất đai, mà khuyến khích những người dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận sáng kiến mới đầu tư kinh doanh. Yêu cầu tới đây là phải thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chứ không còn đơn giản là tự do hóa nữa. Các hiệp định tự do hóa thương mại đều nói điều này… Nếu chúng ta không làm thì doanh nghiệp tư nhân tiếp tục còn chết nữa”.

Cần giảm sự can thiệp nhà nước

Một vấn đề được khá nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm là việc Nhà nước cần phải giảm những sự can thiệp hành chính như hiện nay, như vậy mới tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Nhà nước đang can thiệp quá nhiều vào thị trường. Giảm can thiệp nhà nước thì bộ máy nhà nước sẽ đảm đương tốt hơn chức năng quản lý nhà nước, mà doanh nghiệp có không gian rộng hơn để phát triển”.

Theo bà Lan, cần tăng cường vai trò của giám sát của xã hội thay vì quản lý của nhà nước. Với Luật doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. Tiếng nói của người tiêu dùng đang dần trở nên có trọng lượng hơn. Nếu người tiêu dùng và giới truyền thông lên tiếng là doanh nghiệp phải thay đổi ngay. Đơn cử như vụ Vedan, nhà nước chỉ biết xử phạt trong khi người tiêu dùng lên tiếng “tẩy chay” là doanh nghiệp biết sợ ngay.

Chuyên gia Vũ Quốc Tuấn: “Bộ máy nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh và người dân”.

Chuyên gia Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh: “Vấn đề là xác định nhà nước làm gì, và thị trường làm gì. Phải tách bạch ra được những vai trò này. Nếu chúng ta không cải cách về giáo dục, tư tưởng thì không thể cải thiện tinh thần kinh doanh được. Không có tự do sáng tạo, không có tư duy đổi mới thì chúng ta chỉ giảm được đói nghèo, chứ không thể thịnh vượng được”.

Các thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2000 gợi nhớ lại những kỷ niệm khi Luật Doanh nghiệp mới được ban hành. Khi đó, bộ máy nhà nước còn nhỏ gọn, nhưng vẫn quản lý được nền kinh tế bởi không cần can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng trăm loại giấy phép con, chồng chéo đã được xóa bỏ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Cần đưa doanh nghiệp nhà nước vào đúng quỹ đạo

Chuyên gia Đặng Đức Đạm chia sẻ: “Hiến pháp mới đã ghi kinh tế nhà nước là chủ đạo. Nhưng như vậy không có nghĩa doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Họ phải bình đẳng như các thành phần kinh tế khác”.

Chuyên gia Trần Hữu Huỳnh nói: “Chúng ta không thể quên cải cách doanh nghiệp nhà nước được vì nó liên quan đến không gian phát triển. Doanh nghiệp nhà nước như ôtô mà cứ ‘lặc lè’ đi trước thì doanh nghiệp tư nhân không thể tiến lên được. Vì thế, để phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, phải cải cách doanh nghiệp nhà nước”.

Các chuyên gia cho rằng cần thiết kế các chính sách phù hợp cho doanh nghiệp nhà nước để tái cấu trúc cả khu vực này, thay vì cứ yêu cầu tái cấu trúc từng doanh nghiệp vì đó là việc quản trị vi mô của bản thân doanh nghiệp.

Về vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm về việc lựa chọn nắm giữ hay thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Tại sao lại thoái vốn những doanh nghiệp thua lỗ, mà không giải thể hẳn đi. Tại sao những doanh nghiệp có lãi lại không bán đi, vì bán đi sẽ ‘được giá’ hơn là bán những doanh nghiệp lỗ?

Các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng cơ chế bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tập trung vào công ích.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, những kiến nghị của chuyên gia sẽ được tiếp thu trong một báo cáo để trình lên Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo một môi trường kinh doanh mà Việt Nam đã từng có khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000.

Ngày 30/12/2013, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

CIEM tiền thân với tên gọi là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế do Trung ương Đảng thành lập theo Quyết định số 209 NQ-NS/TW ngày 14/07/1977 do Bộ Chính trị ban hành với nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ nghiên cứu về công tác quản lý kinh tế theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Kể từ khi thành lập, CIEM luôn đóng vai trò đầu tàu trong nghiên cứu, tư vấn cho cơ quan Đảng, Bộ và các cơ quan Chính phủ trong việc hoạch định chính sách, đi đầu trong các sáng kiến cải cách thể chế nhằm đổi mới nền kinh tế Việt Nam, soạn thảo văn bản pháp luật nhằm cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cởi trói, khích lệ doanh nghiệp đầu tư phát triển.

 

Thu Trang – Người Đồng Hành