Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Lo ngại giảm giá trị hàng tồn kho

Lo ngại giảm giá trị hàng tồn kho

Theo Bộ Công Thương, tại thời điểm 1-6, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số tồn kho đã giảm được 11,8 điểm phần trăm. Dù giảm nhưng số liệu sản xuất của một số ngành được Bộ Công Thương đưa ra đáng lưu ý: sản xuất vải dệt thoi giảm 31,8%, sản xuất xi măng giảm 38,4%, sản xuất giày dép giảm 25,7%, sản xuất linh kiện điện tử giảm 50,7%, sản xuất xe có động cơ giảm 27,6%…

Điều này cũng phù hợp kết quả khảo sát động thái DNViệt Nam trong 6 tháng đầu năm do VCCI vừa công bố cũng cho thấy, gần 70% DN chưa tìm được giải pháp phù hợp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và khai thác thị trường hiệu quả.

Có đến 27,6% DN gặp phải vấn đề tồn kho thanh toán, trong đó tỷ lệ DN có tồn kho công nợ từ khu vực DN nhiều hơn so với tỷ lệ DN có tồn kho công nợ từ khách hàng mua lẻ và từ khu vực công.

Giá trị tồn kho 5 tháng đầu năm là 75,4%, cao hơn mức thông thường là 65%. Trong khi đó, mức độ tăng trưởng 5,18% của ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,59% của cùng kỳ và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng chỉ tăng 4,9% – thấp hơn mức 6,7% của cùng kỳ năm 2012).

Điều này có thể kết luận giá trị sản phẩm tồn kho 6 tháng đầu năm có xu hướng thấp dần là do giá trị sản xuất sản phẩm thấp hơn cùng kỳ chứ không phải do nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi. Do vậy, khó khăn của DN hiện nay không còn là vấn đề chi phí vốn mà chính là tìm đầu ra, giải phóng hàng tồn kho. Nếu hàng tồn kho càng lâu,  sẽ tạo áp lực giảm giá là tất yếu khi mà người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu.

Theo một số chuyên gia, tồn kho sản phẩm 6 tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng cao như diễn biến của năm 2012. Vì theo xu hướng hàng năm, tăng trưởng kinh tế các quý III, IV sẽ luôn ở mức cao hơn những quý đầu năm.

Thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2012 cũng cho thấy, bắt đầu từ tháng 7-2012, khi tăng trưởng kinh tế cao hơn các tháng trước đó, tiêu dùng chững lại thì hàng tồn kho sản phẩm bắt đầu tăng vọt cho tới cuối năm.

Do vậy, nếu từ tháng 7-2013, tiêu dùng xã hội không có động lực mới thúc đẩy tăng cao hơn những tháng đầu năm trong khi tăng trưởng sẽ lớn hơn chắc chắn giá trị hàng tồn kho cũng sẽ tăng theo và điều đó sẽ trở thành một lực cản đối với mục tiêu tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm.

Nguồn Saigondautu.vn