Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Mua bán và sáp nhập

Mua bán và sáp nhập

Nguy cơ doanh nghiệp Việt rơi vào tay nước ngoài? (09/08/2013).
.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt – Giảng viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì Việt Nam là thị trường mới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, 5 – 7%. Bên cạnh đó thể chế chính trị ổn định, cơ cấu dân số trẻ chiếm ưu thế, tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng lớn… Với những lợi thế đó Việt Nam đang là thị trường thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào sản xuất và kinh doanh. Việc tham gia thị trường thông qua mua lại các doanh nghiệp đang hoạt động và có thị phần nhất định là một trong những cách hiệu quả nhất. Do vậy, tiềm năng tăng trưởng mạnh, khả năng gia tăng thị phần, khai thác thị trường mới và giá chào bán hợp lý là những yếu tố kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Xu hướng mua bán và sáp nhập DN đang dần trở nên mạnh mẽ
Ảnh MINH HỌA

Ông lý giải như thế nào khi xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A), theo nhận định, sẽ tập trung vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, BĐS, hàng tiêu dùng? Nhất là khi DN nội bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm?

– Việt Nam vẫn là đất nước chủ yếu sử dụng tiền mặt, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đang tăng lên nhanh chóng và điều đó mang lại cơ hội đáng kể cho các đối tác nước ngoài. Các báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam hiện tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm kể từ đầu thập kỷ và hiện tại tổng giá trị tài sản đạt khoảng 80 tỷ USD.

Một xu hướng M&A gần đây liên quan đến các công ty chứng khoán ở Việt Nam, trong đó nhiều công ty gặp khó khăn về tài chính do sự đi xuống của thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư trong nước đang cân nhắc việc rút khỏi lĩnh vực này thông qua việc giải thể hoặc bán cho đối thủ cạnh tranh hoặc tìm đối tác đầu tư chiến lược.

Lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh về giá trị trong thời gian gần đây. Thực tế, nhu cầu của người dân vẫn rất lớn nhưng khả năng thanh toán thì còn hạn chế do suy thoái kinh tế. Nếu các dự án ở vị trí đẹp, pháp lý đầy đủ và có mức giá hợp lý thì vẫn thu hút mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy luật thị trường thì việc bị thâu tóm là không tránh khỏi. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp vi phạm luât cạnh tranh hoặc vượt quá sở hữu nước ngoài đối với những lĩnh vực mà nhà nước quy định. Quá trình đào thải theo quy luật sẽ giúp cho nguồn lực của xã hội được sử dụng hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong quá trình M&A, những thương hiệu tốt thì vẫn tồn tại theo thời gian. Còn thương hiệu kém biến mất khỏi thị trường là chuyện bình thường.

Theo thống kê, số lượng các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm 77%, giá trị các thương vụ lớn có yếu tố nước ngoài chiếm 66%. Để chống thâu tóm từ các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp nội cần phải làm gì, thưa ông?

– Để phòng ngừa, doanh nghiệp cần duy trì quan hệ tốt với các nhóm cổ đông lớn, tìm hiểu đánh giá của các cổ đông về cổ phiếu, các dự kiến mua vào hoặc bán ra trong cả ngắn và dài hạn. Khi cổ đông lớn muốn thoái vốn, doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm các đối tác phù hợp hơn là để cổ đông đó bán cho nhà đầu tư mới mà mình chưa biết. Doanh nghiệp cần minh bạch hóa tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, theo dõi chặt chẽ sự dịch chuyển của cơ cấu cổ đông, đặc biệt là các giao dịch lớn. Đối với việc thâu tóm, các mốc 5% (cổ đông lớn), 35% (có quyền phủ quyết), 51% (sở hữu đa số), và 65% (có toàn quyền) cần được doanh nghiệp đặc biệt chú ý.

Để chống thâu tóm, trong điều kiện khung pháp lý của Việt Nam chưa chặt chẽ, chúng ta nên lựa chọn mua cổ phiếu quỹ. Việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm tỷ lệ cổ phiếu lưu hành trôi nổi trên thị trường, từ đó giảm tỷ lệ một nhóm nhà đầu tư nào đó có thể mua chi phối. Công ty có thể xem xét phương án phát hành thêm cho các đối tượng cổ đông thân thiện hơn, kể cả cho cổ đông hiện hữu để pha loãng cổ phiếu. Việc phát hành có thể ở dạng cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi để làm giảm khả năng mua được chi phối từ nhóm cổ đông đang thực hiện việc thâu tóm. Một sự lựa chọn khác là doanh nghiệp bán tẩu tán các tài sản tốt, làm giảm sự hấp dẫn của mục tiêu bị thâu tóm, sau đó khi nguy cơ thâu tóm mất đi sẽ đưa lại các tài sản này về với doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Trang (thực hiện)