Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Năm 2014: Trọng tâm vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế

Năm 2014: Trọng tâm vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế

Đó là nhiệm vụ chính được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP Chính phủ vừa ban hành mới đây trong đó Chính phủ đặc biệt chú trọng đến việc tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án trong 3 năm 2013 – 2015.

Quy hoạch và đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, vùng đã được phê duyệt; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm và kịp thời rà soát, bổ sung.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công

Tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội.

Ưu tiên vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, vốn đối ứng cho các dự án ODA, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thông mới, vốn tham gia các dự án đối tác công – tư (PPP)…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện Luật Đầu tư công trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, khóa XIII. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư công sau khi được Quốc hội thông qua.

Mặt khác, các địa phương cần ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ động xây dựng cơ bản; rà soát, phân lại toàn bộ danh mục công trình, dự án để đến 2015 cơ bản hoàn thành các dự án đang thi công dở dang.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường tài chính

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng TMCP yếu kém. Trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất.

Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc giải quyết tình trạng sở hữu chéo có tác động xấu đến thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Phát huy hiệu quả kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp và có lộ trình giảm tỷ lệ vay vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại

Về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được duyệt.

Tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện theo đề án đã được phê duyệt, từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển đến thị trường, sản phẩm.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.

Về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên địa bàn từng địa phương, vùng, cả nước gắn với thị trường trong nước và thế giới.

Khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, các khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu hàng hóa, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định của Chính phủ; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản…

Về tái cơ cấu công nghiệp

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp công nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, thị trường. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khuyến khích tập trung các thành phần kinh tế phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…; tăng cường đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phát triển các dạng năng lượng tái tạo.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và bảo đảm chất lượng đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm. Rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo.

Về tái cơ cấu dịch vụ

Thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Tập trung khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong đời sống kinh tế, xã hội.

Khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, logistics, tài chính ngân hàng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác.