Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Sẽ tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa

Sẽ tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa

Đó khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013

.
Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Chính phủ đối với một số DNNN đề nghị lùi thời hạn cổ phần hóa (CPH) sau năm 2015, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013, diễn ra ngày 26/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho biết, trong bối cảnh vĩ mô, thị trường khó khăn như hiện tại, nếu vội vàng, cứng nhắc trong áp tiến độ CPH đối với tất cả các DNNN như kế hoạch ban đầu, sẽ dẫn đến tình trạng giá bán cổ phần khi tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) đạt thấp. Trong khi đó, CPH ngoài mục tiêu đổi mới DN, còn phải đáp ứng một yêu cầu quan trọng khác là không được để thất thoát tài sản Nhà nước. Do đó, tiến trình CPH cần được tiến hành chặt chẽ, không quá nóng vội.

Ông Đam cho biết thêm, với một số lĩnh vực, DN, mặc dù thị trường khó khăn, nếu hiện tại IPO không được giá, nhưng xét thấy cần thiết thì sẽ bán, bởi nếu không càng để lâu càng mất giá, từ lỗ ít sẽ chuyển sang lỗ nhiều. Do đó, Chính phủ chỉ đạo sắp tới, tiếp tục tiến hành CPH khẩn trương, nhưng không cứng nhắc trong máy móc thực hiện thời hạn CPH đối với tất cả các DN.

Liên quan đến triển khai Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Người phát ngôn của Chính phủ, cho rằng, tuy đã đạt những kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung đây là tiến trình lâu dài cần được đẩy nhanh hơn. Tái cơ cấu nền kinh tế, nếu không quyết liệt hơn, mà để chững lại, không chỉ ảnh hướng đến tăng trưởng kinh tế trong trước mắt, mà còn tác động không tích cực đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Do vậy, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Trả lời câu hỏi có ý kiến cho rằng, nguy cơ thiểu phát đã hiện hữu, Chính phủ có lo lắng tình trạng này và có giải pháp gì để xử lý, ông Đam cho rằng, trong điều hành vĩ mô, Chính phủ luôn lo lắng khi xảy ra lạm phát hoặc thiểu phát. Tuy nhiên, với diễn biến vĩ mô hiện tại, nguy cơ tái lạm phát cao vẫn hiện hữu, nên không thể chủ quan. Bởi vậy, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Nguồn : Kinhte24h.com