Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Thị trường vàng sẽ ra sao từ 1/7?

Thị trường vàng sẽ ra sao từ 1/7?

Ông Lê Minh Hưng – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường vàng.

.

Ông Lê Minh Hưng nói: “Tính đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ bản mua lại vàng để tất toán số vàng đã huy động (hơn 100 tấn). Khi các ngân hàng đã tất toán xong thì nhu cầu vàng trên thị trường giảm rất mạnh. NHNN vẫn giữ vai trò điều tiết, nếu thị trường có nhu cầu thì NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng ổn định thị trường. Còn nếu thị trường thừa vàng, với vai trò là người mua bán cuối cùng, NHNN sẽ mua vào để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối.

Tôi xin nói rõ là sau ngày 30/6, các ngân hàng đảm bảo đủ thanh khoản vàng để thanh toán cho người gửi vàng. Thanh khoản về vàng được đảm bảo tuyệt đối. Với số vàng gửi tại các ngân hàng, nếu người gửi vàng không rút thì các ngân hàng phải chuyển số vàng đó thành giữ hộ và sẽ tính phí gửi vàng. Các ngân hàng không được sử dụng vàng giữ hộ đó dưới bất kỳ hình thức nào như cho vay, cầm cố… Tới đây, NHNN sẽ thanh tra, giám sát chặt chẽ việc này để tránh biến tướng”.

– Với các hợp đồng mà ngân hàng đã cho khách vay thì có buộc phải tất toán?

– Hợp đồng các ngân hàng cho vay vàng là giao dịch dân sự. NHNN chỉ có thể khuyến khích chứ không ép các ngân hàng phải thu nợ. Việc này thế nào phụ thuộc vào việc đàm phán của ngân hàng với các khách vay. Khách hàng có thể mua vàng để trả nợ trước hạn. Hoặc ngân hàng và khách vay đàm phán để chuyển đổi các khoản vay bằng vàng sang tiền Việt (VND).

– Ông nói là thị trường sẽ ổn định, liệu tình trạng người dân xếp hàng mua bán vàng như mấy ngày qua thì có được xem là ổn định hay không?

– Từ năm 2008, khi thị trường vàng có nhiều biến động, việc cho vay, huy động bằng vàng đã gây nhiều rủi ro cho các ngân hàng cũng như khách hàng, thậm chí có thể rủi ro đến cả hệ thống. Trong năm 2012, NHNN đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt hoạt động này với các biện pháp đồng bộ, chặt chẽ. Thêm nữa, trong gần hai năm qua, Việt Nam không có nhập khẩu vàng như trước kia. Trước đây mỗi năm chúng ta nhập 50-100 tấn, còn gần hai năm trở lại đây chỉ nhập 30 tấn. Mặt khác, trên thị trường không có chuyện đầu cơ làm giá nữa. Qua tìm hiểu thị trường, NHNN nhận thấy nhu cầu mua vàng đầu tư vẫn còn nhưng giảm rất mạnh.

Như vậy, sau gần một năm thực hiện quy định mới về quản lý thị trường vàng nói chung và nghị định 24 nói riêng, có thể khẳng định: quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Ngoài việc điều tiết cung cầu, mục tiêu đặc biệt quan trọng của NHNN là chống “vàng hóa”. Vì vàng là mặt hàng mà pháp luật cho phép kinh doanh, mua bán nhưng không khuyến khích vì không mang lại giá trị gia tăng gì cho nền kinh tế cả. Cho nên về mặt dài hạn, để giảm lượng “vàng hóa” thì các chính sách phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao giá trị đồng nội tệ, củng cố lòng tin vào VND và các chính sách điều hành của NHNN sẽ hướng đến huy động nguồn vốn vàng để tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển đất nước.

– Bình ổn thị trường thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có giảm hay vẫn giữ mức vài triệu đồng/lượng như hiện nay?

– Nước ta không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy muốn giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới, phải cho phép doanh nghiệp và người dân kinh doanh vàng qua tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời phải cho phép nhập khẩu vàng. Tuy nhiên việc này sẽ gây ra nhiều bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Đến nay dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn tương đối cao nhưng thị trường vàng ổn định, các tác động tiêu cực của vàng đến nền kinh tế đã được kiểm soát một cách cơ bản và tốt hơn nhiều.

Do vậy có thể khẳng định rằng với khuôn khổ pháp lý mới và hoạt động can thiệp của NHNN, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Về ngắn hạn, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở một mức độ giúp thị trường trong nước không bị biến động mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

– Bao giờ thì NHNN sẽ đứng ra huy động vàng trong dân?



– Nghị định 24 có nêu rõ NHNN nghiên cứu phương án huy động nguồn lực vàng. Nguồn vốn rất lớn đang nằm trong vàng, nếu không phát huy được thì vô cùng lãng phí, trong khi chúng ta đang rất thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không có ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng theo hình thức tiết kiệm. Nếu NHNN huy động số vàng trong nền kinh tế thì cũng không thể sử dụng số vàng đó phục vụ sản xuất kinh doanh, phải chịu chi phí lớn, gặp rủi ro thanh khoản và tài sản khi giá vàng biến động.

– Hệ thống ngân hàng không thể huy động vàng, như vậy tới đây làm thế nào để huy động 400 tấn vàng trong dân, thưa ông?

– Hiện NHNN đang tính toán, nhưng chung quy lại đối với vàng, mục tiêu cuối cùng là chuyển sang quan hệ mua bán. NHNN phải tạo cho thị trường cơ chế để khuyến khích người nắm giữ vàng bán vàng. Còn làm cách nào thì vấn đề xuyên suốt là vẫn tạo cho người dân tin vào tiền đồng VN. Với đồng USD chúng ta đã làm được vì người dân thấy nắm giữ USD không có lợi, còn với vàng cần phải có thời gian chứ không thể nóng vội ngày một ngày hai.

Nguồn : new.zing