Go to Top
Trang chủ > Tin tức > Việt Nam thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực điện thoại di động

Việt Nam thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực điện thoại di động

Ngày 24.12, báo kinh tế Les Echos (Pháp) đăng tài bài viết “Samsung biến Việt Nam thành thị trường khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động”.
.



Một nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Một nhà máy Samsung tại Việt Nam.


Theo tờ báo này, để giảm giá thành, tập đoàn Samsung Hàn Quốc tái triển khai các đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc. Nguyên nhân chính là giá nhân công.

Trong năm 2012, lương cơ bản của một công nhân làm việc ở ngoại ô Bắc Kinh là 466 USD/tháng, trong khi đó, tại Hà Nội, mức lương tháng chỉ là 145 USD.

Để tranh thủ giá nhân công rẻ, tăng mức lãi đối với điện thoại di động Galaxy và các máy tính bảng, hai sản phẩm tạo ra nguồn lãi chính cho Samsung, tập đoàn này đã từng bước di chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Tháng 3.2014, Samsung sẽ khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới tại tỉnh Thái Nguyên, miền bắc Việt Nam. Samsung đã đầu tư vào đây 2 tỷ USD và hy vọng cơ sở này sẽ sản xuất tới 120 triệu điện thoại mỗi năm.

Trước đó, Samsung đã xây dựng một nhà máy khổng lồ ở tỉnh Bắc Ninh. Tham vọng của tập đoàn là vào năm 2015, khoảng 40% tổng số điện thoại di động Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Một số nhà phân tích cho rằng, trong một tương lai gần, tỷ lệ này có thể lên tới 60%, thậm chí 70%.

Theo Les Echos, mối quan tâm của Samsung đã làm thay đổi cảnh quan công nghiệp Việt Nam, nước trước đây chỉ có vai trò phụ trong lĩnh vực điện tử. Từ nay, khối lượng hàng sản phẩm của Samsung chiếm 10% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Từ năm ngoái, các nhà máy điện tử xuất khẩu nhiều hơn các cơ sở gia công hàng dệt may. Theo số liệu của hải quan Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2013, xuất khẩu điện thoại di động của Samsung đã tăng gấp đôi, tính theo tỷ lệ cả năm, và đạt mức 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc Việt Nam sẽ trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động, không chỉ nhờ vào mỗi các đầu tư của Samsung. Tháng 10.2013, Nokia cũng đã khánh thành một nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, sản xuất điện thoại di động N105. Sản phẩm bình dân này nhắm tới thị trường các nước đang trỗi dậy: 95% sản lượng của nhà máy Nokia tại Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu.

Trước đó, tập đoàn Intel, Foxconn, LG, Nidec, đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vì ở đây, họ được hưởng các điều kiện thuế khóa ưu đãi hơn tại Trung Quốc. Ví dụ, tại Thái Nguyên, tập đoàn điện tử Samsung không phải trả thuế doanh nghiệp trong vòng bốn năm đầu tiên và 50% so với mức thuế thông thường trong 12 năm sau đó.

Theo H.L

Lao Động